Tòa án Phá sản Seoul cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, nhóm người ở độ tuổi 30-40 đệ đơn xin phá sản có chiều hướng tăng mạnh và chiếm đến 25% tổng số hồ sơ xin phá sản cá nhân trên toàn quốc.
Một nữ nhân viên phục vụ quán bar 36 tuổi (xin giấu tên) cho biết, cô đã đi làm từ năm 20 tuổi nhưng đầu năm 2021 đã phải nộp đơn xin phá sản vì không còn khả năng trả khoản nợ 100 triệu won (1,8 tỷ đồng) đã vay qua nhiều năm để chi trả cho sinh hoạt phí. Một nhân viên khác, 47 tuổi làm tại hộp đêm, cũng gặp hoàn cảnh tương tự, do thất nghiệp suốt hai năm dịch bệnh.
Nhiều người đã cố gắng thu xếp các khoản nợ nhưng không thể. Một người đàn ông 33 tuổi đã đóng cửa công ty trang trí nội thất năm 2020, sau một năm kinh doanh và gánh nợ gần 100 triệu won. Người này sau đó đã được nhận vào một công ty với mức lươg khoảng 200.000-300.000 won mỗi tháng. Trong đợt cắt giảm nhân sự, anh ta bị sa thải và cuối cùng tuyên bố phá sản.
Chỉ trong ba tháng qua, Tòa án phá sản Seoul đã xử lý từ 95% đến 97% số đơn của người trẻ. Một nguồn tin tại tòa án cho biết: "Chúng tôi đang xử lý các đơn đăng ký để người trẻ có thể vực dậy sau thất bại trong đại dịch".
Thực tế cho thấy, nhóm người trong độ tuổi từ 20 đến 30 đang quay cuồng với các khoản nợ cá nhân khi họ tích cực đi vay, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, nhưng không thể trả nợ. Tính toán của Nhật báo kinh tế Hàn Quốc dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương, mức nợ nhóm này tăng 9,5% trong năm qua. So với các thế hệ trước, người trẻ Hàn Quốc hiện có mức thu nhập thấp hơn, sở hữu ít tài sản tài và nợ nhiều hơn.
Người Hàn bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần khi dịch bùng phát. Thêm vào đó, chính sách sử dụng thẻ tín dụng nới lỏng kết hợp với thị trường bất động sản tăng nhanh tại Seoul và các khu vực thành thị cũng khiến người đã thất nghiệp, nay còn phải gánh thêm những khoản vay nặng lãi.
Trước sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt, một số người trẻ chuyển sang đầu tư tiền điện tử để kiếm tiền nhanh chóng. Nhóm người này chiếm 63% trong số 2,49 triệu người đăng ký mới vào bốn sàn giao dịch điện tử như Bithumb, Upbit, Korbit và Coinone, trong quý đầu tiên của năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng các khoản nợ ngày càng tăng của người trẻ sẽ khiến họ phải trả lãi suất cao hơn, tăng khả năng vi phạm pháp luật. Nợ thẻ tín dụng của nhóm người ở độ tuổi 20 ở mức 8 nghìn tỷ won vào cuối năm ngoái, tăng 16,6% so với một năm trước.
Đáng chú ý, nếu ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm nay, sẽ có nhiều người trẻ Hàn Quốc rơi vào cảnh nợ nần chồng chất hơn nữa và phải vật lộn trả nợ bằng cách vay nợ mới.
Minh Phương (Theo Chosun Ilbo, kedglobal)