Cô gái Hà Nội thừa nhận cách chơi Trung thu của mình các năm trước "rất vô bổ", không nhận được gì ngoài số "like" trên mạng xã hội. "Vì lo tìm góc chụp ảnh đẹp nên tôi quên luôn không khí trung thu lúc đó", Lan nói.
Năm nay, Lan tới khu di tích Hoàng thành Thăng Long để đón tết Trung thu cổ truyền. Cô cho biết, chỉ với 30.000 đồng mua vé, khách tham quan được tận hưởng trọn vẹn không khí rước đèn ngày xưa qua các gian hàng đồ chơi xưa như tiến sĩ giấy, đầu sư tử, mặt nạ giấy, ông đánh gậy trông trăng hay tham gia hoạt động làm đèn trung thu, làm bánh, tô vẽ mặt nạ giấy bồi.
Nguyễn Linh Chi, sinh viên năm 3 khoa Du lịch trường Đại học Mở Hà Nội lại dành trọn những ngày cuối tuần của tháng 9 làm hướng dẫn viên miễn phí cho khách nước ngoài tham quan và tìm hiểu về tết Trung thu ở Việt Nam.
Sáng 25/9, Linh Chi dẫn nhóm 5 khách tới Ngôi nhà di sản ở 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm vì biết ở đây có tái hiện không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu truyền thống. Cô giới thiệu cho khách từ tên gọi, ý nghĩa của dịp lễ này cũng như các món ăn trong mâm cỗ trung thu.
Dịp Trung thu năm nay ghi nhận lượng người trẻ tìm về không gian xưa để khám phá và trải nghiệm nét văn hóa truyền thống tăng vọt. Ví dụ, theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, từ ngày 1 đến 24/9 đã có khoảng 3.000 khách trong và ngoài nước đến tham quan Nhà 87 Mã Mây, gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó nhóm khách từ 18 đến 25 tuổi chiếm hơn 50%.
Bà Nguyễn Minh Thu, Trưởng phòng Hướng dẫn du lịch Hoàng Thành Thăng Long cho biết, hơn một tuần nay khoảng gần 5.000 khách đã tới tham dự các sự kiện tái hiện tết Trung thu truyền thống, người trẻ chiếm gần 70%.
Đây là lần đầu khu di tích tổ chức những hoạt động Trung thu như tái hiện đèn lồng cổ, biểu diễn nghệ thuật múa lân, làm đèn lồng, nhanh chóng thu hút khách tới tìm hiểu về truyền thống lịch sử Việt Nam cũng như chụp ảnh lưu niệm trong không gian xưa.
Nói về xu hướng người trẻ tìm về những giá trị cơ bản, mang dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là vào dịp Trung Thu, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sau khi bị cuốn theo cuộc sống vội vã, mang theo nhiều hoài bão nhiều người trẻ cảm thấy mệt mỏi, muốn sống chậm lại và tìm đến những không gian xưa cũ, bình yên để chữa lành tâm hồn.
Việc tìm đến các trung tâm văn hóa, bảo tàng để nghe thuyết minh, để tham gia những hoạt động trong lễ hội trung thu cổ truyền cũng là cách người trẻ thể hiện trách nhiệm sống vì cộng đồng nhiều hơn là vì sở thích cá nhân.
"Thay vì mua đồ chơi sẵn có, việc tạo ra không gian văn hóa để gắn kết những người trẻ, cho họ tự trải nghiệm làm đèn lồng, làm bánh Trung Thu cũng giúp cho các bạn hiểu hơn về cội nguồn, về trách nhiệm giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc", chuyên gia nói.
Sáng 25/9, Yến Nhi (19 tuổi, ở quận Cầu Giấy) say sưa ngắm bộ ảnh "Trung Thu xưa" và học làm tò he cùng hai du khách người Đức cô vừa mới quen tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm). Cô cho biết, qua những bức ảnh, được mở mang tầm mắt và hiểu hơn về nghi lễ Tết trung thu chốn hoàng cung hay khoảnh khắc người dân Hà Nội xưa cùng rước đèn khắp trên phố phường.
Anna (25 tuổi), du khách người Đức chia sẻ, người Việt thật may mắn khi được tổ chức lễ hội lớn và ý nghĩa như thế này. "Nhờ có Nhi giải thích, tôi mới hiểu sự quan trọng của bầu không khí đoàn viên ấm áp trong gia đình người Việt", cô nói.
Thanh Nga