Đinh Linh là sinh viên năm cuối một trường đại học tại quận 1, đang đi làm bán thời gian cho doanh nghiệp ngành truyền thông. Mỗi tuần, nữ sinh viên lên giảng đường ba buổi. Sau giờ học lại đến cơ quan làm việc. Giảng đường cách nhà hơn 3 km nhưng Linh không muốn tự lái xe hoặc đi phương tiện công cộng.
Sinh viên 23 tuổi nhỏ con nên lái yếu, cũng không kìm nổi trọng lượng của xe. Nhiều lần không xử lý được tình huống trên đường, Linh va quẹt, té ngã. Từ đó, chiếc xe máy chỉ được cô sử dụng để đi khoảng cách gần, dưới 1 km. Nhiều nhất là dùng để đi chợ. "Leo lên xe là tay run. Ai bóp kèn thôi tôi cũng giật mình nên lái xe rất căng thẳng", Linh kể.
Với xe buýt, đây là phương tiện di chuyển chủ yếu của Linh từ khi rời Đắk Nông lên Sài Gòn đi học 5 năm trước. Rẻ, che được nắng mưa là ưu điểm. Trước đây, ở ký túc xá, chỉ cần ra cổng là Linh bắt được xe buýt đến tận trường. Nửa năm qua, khi có công việc bán thời gian, cô chuyển chỗ ở gần công ty nhưng lại xa trạm xe buýt. Linh không còn chuộng phương tiện này do phải đi bộ hơn 500 mét mới đến điểm đón. Hơn nữa, ngồi xe buýt mất thời gian hơn vì di chuyển không theo lộ trình ngắn nhất.
"Rẻ và tiện" là ưu tiên số một của cô gái trẻ thời điểm này. Vài tháng gần đây, Linh chọn đặt xe công nghệ để đi học, đi làm. Lương bán thời gian không nhiều nên cô luôn chọn dịch vụ di chuyển có chi phí rẻ nhất. Chẳng hạn, với Grab, Linh luôn chọn gói GrabBike Tiết Kiệm, rẻ hơn dịch vụ GrabBike thông thường. Tan học, tan làm vào giờ cao điểm, ứng dụng còn tự động áp thêm mã giảm giá đến 20%. Thỉnh thoảng, bạn trẻ này quá giang đồng nghiệp để về nhà vì tiện đường.
Theo tính toán của Linh, nhờ các dịch vụ tiết kiệm, mã giảm, trung bình mỗi tuần mất khoảng 150.000-200.000 đồng tiền đặt xe, tùy tần suất sử dụng. Số tiền theo cô là chấp nhận được vì chỉ khoảng 10% thu nhập. Nếu tự lái, cô tốn khoảng 50.000 đồng tiền xăng, 50.000 đồng tiền giữ xe, chưa kể chi phí bảo trì và căng thẳng đầu óc khi chạy xe vào giờ cao điểm. "Chi phí cao hơn không nhiều nhưng đổi lại tôi thấy thoải mái, không quan tâm suy nghĩ đến kẹt xe hay sự cố", sinh viên này lý giải.
Thanh Luật, 26 tuổi, đang làm nhân viên cho một công ty tổ chức sự kiện ở quận 10 cũng chọn di chuyển bằng xe công nghệ ít nhất ba buổi mỗi tuần. Theo anh, đây là cách tiện nhất với đặc thù công việc.
Hầu như tuần nào, Luật cũng phải di chuyển để gặp gỡ đối tác, khách hàng. Anh cũng thường xuyên đi khảo sát thực tế các khu vực dự kiến tổ chức sự kiện. Những ngày có lịch ra ngoài, anh luôn chọn đi bằng xe công nghệ cùng đồng nghiệp. Để giảm chi phí, cả nhóm luôn chọn GrabCar Tiết Kiệm. "Làm việc ở ngoài cơ quan là quần áo chỉnh tề, mang nhiều đồ đạc. Ngồi ôtô thoải mái, không sợ mưa, không đổ mồ hôi. Hơn nữa chi phí chia nhau ra cũng hợp lý", anh nói.
Những ngày không có lịch gặp đối tác, anh Luật thường tự lái xe 7 km đi làm. Từ Bình Thạnh sang quận 10 không quá xa nhưng thường xuyên kẹt cứng Chiếc xe côn tay phải nhích từng tí trên con đường chật kín phương tiện. Đặc trưng của loại xe này là máy sẽ rất nóng nếu di chuyển chậm, tiêu hao nhiên liệu nhanh hơn. Nhiều lần về đến nhà, nam nhân viên văn phòng mệt lả, bàn tay đỏ lên vì liên tục bóp côn. "Mấy lần định bán xe rồi nhưng nghĩ cứ để đó, lâu lâu đi phượt hoặc chạy đường dài cũng được nên tôi giữ lại", anh Luật kể.
Để giải quyết tình trạng này, nhân viên tổ chức sự kiện quyết định chỉ lái xe khi cảm thấy đủ năng lượng. Những hôm mệt, anh để xe lại hầm cơ quan, đặt ứng dụng công nghệ. Anh cân nhắc nhiều ứng dụng và gần đây chọn GrabBike Tiết Kiệm vì rẻ hơn dịch vụ thường, mà giờ cao điểm còn tự động giảm giá đến 20%.
"Tôi thấy rẻ và tiện. Ngồi sau, tôi có thể nghĩ thêm các ý tưởng cho công việc, không phải gồng mình lái xe", Thanh Luật cho biết.
Giống như Linh hay Luật, nhiều người trẻ hiện nay ưu tiên sự thoải mái, tiện lợi nhưng đi kèm chi phí hợp lý khi di chuyển. Trước đây, họ lo ngại cước phí tăng vào giờ cao điểm nên ít lựa chọn phương tiện xe công nghệ lúc đi làm hoặc tan ca. Nhưng hiện nay, các ứng dụng đặt xe đã bắt đầu có chính sách ưu đãi giờ cao điểm, còn tặng thêm các mã giảm giá.
Từ lúc chọn di chuyển bằng xe công nghệ, trở về nhà sau giờ làm, Luật không còn thấy mệt mỏi. Anh có thêm năng lượng chuẩn bị bữa ăn, dành thời gian lên các ý tưởng cho sự kiện. Còn Đinh Linh, do vẫn sợ lái xe, cứ có việc phải di chuyển xa, cô lại bật điện thoại và đặt chuyến.
Hoài Phương