Là người con xứ Bình Lộc (thị xã Long Khánh, Đồng Nai), ông Đỗ Kim Thành chia sẻ, chứng kiến cảnh những người nông dân nơi đây vất vả ngày đêm chăm sóc cây ổi nhưng đến mùa thu hoạch lại bị thương lái ép giá, ông cũng cảm thấy bất bình.
Ổi Bình Lộc căng mọng chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Ảnh: Thi Ngoan. |
"Trong khi giá trị kinh tế nhìn thấy từ cây ổi là rất lớn. Từ đó tôi nghĩ phải làm cách nào giới thiệu đặc sản ổi Bình Lộc đi khắp nơi để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Như thế sẽ giúp bà con yên tâm sản xuất làm giàu từ nguồn lợi này", ông trăn trở.
Theo ông Thành, nét đặc trưng của cây ổi Bình Lộc là được sản xuất bằng một quy trình "sạch" từ khâu chiết cành, trồng tưới, bón phân đến cách xử lý sâu rầy, đặc biệt là không dùng chất kích thích. Từ khi trái ổi còn nhỏ xíu đã được người nông dân bọc kín bằng bao ni lông để tránh sâu bọ và ruồi vàng phá hoại, ngoài ra trong bọc còn được lót một lớp giấy báo để trái không bị rám nắng. Nhờ thế mà trái ổi đến mùa thu hoạch để chín hoàn toàn tự nhiên vừa to (trung bình từ 0,5 đến 1kg) vừa đẹp mà ăn rất ngon.
Nguồn gốc giống ổi quý này vẫn còn nhiều tranh cãi, song một số nông dân sản xuất lâu năm ở địa phương cho rằng cây ổi xá lị này được đưa lên từ Tiền Giang vào những năm 1980. Thời gian sau này cũng nhờ biết cách nhân giống cho trái ổi ngon, năng suất và hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ dân ở Bình Lộc này đã thoát cảnh đói nghèo.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây diện tích đất trồng ổi lại có xu hướng giảm dần vì sâu bệnh hóa ra nhiều, cây hay bị khô cafnh, héo ngọn và chết hàng loạt, thêm vào đó trái ổi bán ra thị trường lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận thấp nên nông dân không còn mặn mà. Từ đó nhiều hộ dân phải chặt hàng chục ha ổi để chuyển sang trồng cây lâu năm mặc dù hiệu quả kinh tế cũng không cao hơn.
Ông Đỗ Kim Thành ngày đêm trăn trở tìm đầu ra cho trái ổi Bình Lộc. Ảnh: Thi Ngoan. |
Trước thực trạng này, ông Đỗ Kim Thành đã mạnh dạn kiến nghị với các lãnh đạo chính quyền địa phương vực dậy hình ảnh trái ổi đặc sản vùng quê Bình Lộc đến người tiêu dùng cả nước. Sau bao cố gắng, đến năm 2010 lần đầu tiên trái ổi xá lị Bình Lộc vinh dự "góp mặt" ở lễ hội trái cây Nam Bộ tổ chức tại TP HCM và được người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng sản phẩm ngon, rẻ, an toàn.
Mặc dù hiện nay thương hiệu ổi Bình Lộc tuy chưa nổi tiếng nhưng cũng bắt đầu được biết đến rộng rãi ở các tỉnh thành lớn như TP HCM, Biên Hòa, Nha Trang, Hà Nội...
Để đảm bảo chất lượng trái ổi đặc sản, ông Thành (hiện công tác tại UBND xã Bình Lộc) đã lập một tổ hợp tác sản xuất giúp hỗ trợ về chuyên môn và phổ biến phương pháp trồng, chiết cũng như chăm sóc cây ổi cho năng suất cao, phòng tránh được sâu bệnh. Từ đó giúp bà con nông dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Nhờ trái ổi xá lị mà nhiều hộ dân ở Bình Lộc thoát cảnh đói nghèo. Ảnh: Thi Ngoan. |
Bên cạnh đó ông Thành và một số đồng nghiệp cũng cho ra đời một tập sách "đặc sản ổi Bình Lộc" giới thiệu chi tiết về sản phẩm, quy trình sản xuất và giải pháp tìm đầu ra cho trái ổi. Công trình này được chính quyền địa phương đánh giá cao và cũng được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai trao giải thưởng cuộc thi "phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập".
"Nếu được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt, một ha ổi có thể cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng một năm. Việc phổ biến tập sách này một mặt giúp thị trường tiếp nhận sản phẩm ổi Bình Lộc, một mặt kêu gọi các ngành chức năng quan tâm hơn đến việc tạo dựng thương hiệu cho một loại trái cây đang phát triển ở địa phương, có khả năng thâm nhập thì trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế", lời ông Thành gửi gắm trong tập san.
Quý độc giả quan tâm có thể liên hệ: Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập Cộng đồng xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. ĐT: 061.3788723; Fax 061.3788723 E.mail:thanhkhcnbl@yaoo.com.vn.
Thi Ngoan