Tokyo có kế hoạch hỗ trợ một triệu yen (7.500 USD) cho mỗi trẻ em dưới 18 tuổi trong các gia đình chuyển khỏi 23 quận trung tâm, tới định cư ít nhất 5 năm tại các khu vực nông thôn ở vùng lân cận thủ đô.
Số tiền hỗ trợ này cao gấp ba lần so với mức áp dụng từ năm 2019, nâng khoản hỗ trợ tối đa cho các gia đình lên tới 3 triệu yen. Với kế hoạch mới, Tokyo kỳ vọng thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình rời thủ đô vào năm 2027, giúp giảm mật độ dân số, qua đó giảm áp lực đối với các trường học, bệnh viện và các cơ sở xã hội khác.
23 quận trung tâm của Tokyo là nơi sinh sống của 9,2 triệu người, mật độ dân số hơn 14.400 người/km2. Trong 125 triệu dân Nhật Bản, khoảng 35 triệu người, tương đương 28%, đang sống tập trung ở Tokyo và các khu vực lân cận như Saitama, China và Kanagawa, khiến nơi này trở thành một trong những vùng đô thị lớn nhất thế giới.
Nhiều cư dân thành thị Nhật bị thu hút bởi lối sống thư thái, không xô bồ ở vùng nông thôn, song hầu hết coi cuộc sống an nhàn như vậy chỉ dành cho người nghỉ hưu. Phần lớn gia đình trẻ cho rằng thành phố lớn vẫn là nơi tốt nhất đáp ứng cơ hội giáo dục, việc làm và giải trí của họ.
Vùng nông thôn Nhật Bản đã chứng kiến quá trình suy giảm dân số liên tục, khi người trẻ có xu hướng rời đi, tìm cơ hội học hành hoặc công việc tại các thành phố lớn. Tình trạng này khiến nhiều vùng quê gần như chỉ có người cao tuổi, về hưu.
Khoảng 1.300 địa phương trên toàn nước Nhật đã hưởng ứng sáng kiến của Tokyo, sẵn sàng chào đón cư dân chuyển từ thủ đô về.
Giới chức kỳ vọng thu hút các gia đình thành thị nhờ giá bất động sản rẻ, nhịp sống yên bình và cơ hội duy trì làm việc từ xa. Các khu vực khác nhấn mạnh cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em dễ dàng, không "quá tải như các thành phố".
Mục đích của sáng kiến mà chính quyền Tokyo đưa ra là đảo ngược hoặc làm chậm xu hướng suy giảm dân số vùng nông thôn, nhưng gói hỗ trợ mới không đủ sức thuyết phục cư dân thành thị rời đi.
Theo Nikkei, chương trình hỗ trợ tái định cư của Tokyo thu hút được 71 hộ gia đình tham gia năm 2019. Con số này tăng lên 290 hộ năm 2020 và 1.184 hộ một năm sau đó.
"Tôi chuyển đến thành phố để học đại học và giờ đã có việc làm ở Yokohama. Tôi nhớ quê hương, gia đình và bạn bè ở đó, nhưng quay về là rất khó", Kiyoko Date, đến từ tỉnh Kumamoto, miền nam Nhật Bản, cho biết, nói rằng công việc của hai vợ chồng đều ở thành phố cảng này, hai đứa con cô cũng sinh ra và lớn lên ở đây.
"Rất khó để đưa các con rời xa trường học, bạn bè và bắt đầu lại ở một môi trường hoàn toàn mới", Date nhấn mạnh.
Nhiều người sống cả đời trong vùng đô thị Tokyo vẫn luôn về cuộc sống vùng nông thôn, nhưng những chuyến du lịch, kỳ nghỉ ngắn ngày tới vùng quê là đủ với họ.
"Tôi thích đi du lịch, đến những nơi mới", Kanako Hosomura, đến từ vùng ngoại ô Saitama, nói. "Nhưng qua mỗi chuyến đi, tôi không thể không nghĩ tới những thứ bất tiện ở đó".
Hosomura cho biết có quá ít hàng quán ở làng quê Nhật Bản, thậm chí các khu vực đông đúc hơn cũng không có nhiều cửa hàng bách hóa, nhà hàng, rạp chiếu phim hay các loại hình giải trí khác.
"Sống ở vùng nông thôn sẽ không có đủ xe bus, thậm chí việc đi đến một thị trấn lớn để mua sắm cũng mất nhiều thời gian", cô nói. "Tôi không nghĩ mình sẽ rất hạnh phúc khi sống bên ngoài một thành phố lớn".
Đức Trung (Theo SCMP)