Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa ban hành Quy định 1269 về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có nội dung mua tin phản ánh về hành vi này với mức phí tối đa 10 triệu đồng. Việc mua tin phải đảm bảo giữ bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin.
Các thông tin được mua trực tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP HCM hoặc trụ sở Ban Nội chính Thành ủy TP HCM. Người dân cũng có thể gửi văn bản qua đường bưu điện, hoặc hộp thư điện tử: pctntc.thanhuy@tphcm.gov.vn. Thông tin có thể là văn bản giấy, file mềm, file ảnh, video, ghi âm.
Việc trả tiền để mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng không phải mới. 10 năm trước, Ban Nội chính Trung ương và một số tỉnh thành đã thực hiện cơ chế này và có được nhiều tin tức giá trị.
Nhận xét về chủ trương mua thông tin phòng chống tham nhũng, ông Đỗ Văn Đạo, nguyên phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho rằng đây là tín hiệu thể hiện mong muốn cán bộ, nhân dân thực hiện tốt cơ chế giám sát, tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng. "Có thêm tiền động viên là tốt nhưng thực tế người tố cáo thường không vì tiền", ông Đạo nói.
Theo ông, với nhiều người mục tiêu hàng đầu khi mang đơn đi tố cáo là muốn làm trong sạch bộ máy. Thế nhưng, thực tế thời gian qua có những vụ việc bị lọt thông tin người tố cáo khiến họ bị trù dập. Chưa kể, nhiều người chấp nhận rủi ro, mất việc, bị trù dập để tố cáo nhưng cơ quan chức năng xử lý không đến nơi đến chốn khiến mọi thứ "hóa bùn". Những điều này đã làm xói mòn lòng tin của họ.
"Khi các thông tin sai phạm được xử lý đúng quy định pháp luật, công khai và bảo vệ an toàn cho người tố cáo thì người dân sẽ tham gia, lúc đó trả bao nhiêu tiền không còn quan trọng", ông Đạo nói.
Nguyên lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố cũng cho rằng mặc dù có quy định bảo mật thông tin người tố cáo, nếu cá nhân để lộ sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, không ít trường hợp người để lộ thông tin chưa chịu trách nhiệm thì người tố cáo đã bị xử.
Do đó, ông kiến nghị công tác tiếp nhận, xử lý thông tin cần được giám sát chặt chẽ. Thành phố cần ưu tiên sử dụng công nghệ. Trường hợp tiếp nhận trực tiếp, cơ quan chức năng cần bố trí ít nhất hai cán bộ để tránh trường hợp bưng bít, ém thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng tố cáo của người dân cũng là một kênh, thành phố trả tiền mua tin là một cách làm.
Tuy nhiên, theo ông hiện hệ thống pháp luật, thiết chế nội bộ, cơ quan hành pháp với chức năng thanh, kiểm tra, điều tra xử lý vi phạm rất đầy đủ. Trường hợp là đảng viên còn có trách nhiệm phải tố cáo các hành vi sai trái. Kinh nghiệm các nước là sử dụng tốt nhất những công cụ này trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chứ không phải tìm cách phát huy đơn thư tố cáo từ người dân.
Chưa kể, khi thực hiện việc mua tin tố cao tiêu cực, cơ quan thực thi cần lưu ý để tránh các trường hợp đấu đá nội bộ lợi dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh lãnh đạo TP HCM nhiều lần nhắc đến một bộ phận cán bộ e ngại, không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm. "Nếu một cá nhân đang nỗ lực làm việc lại không may bị tố cáo, dù nội dung không đúng thì họ cũng sẽ chùn bước", ông Đồng nói.
Thông tin thêm về chủ trương mới của thành phố trong công tác phòng chống tham nhũng, chiều 31/10, một lãnh đạo trong Thường trực Thành ủy cho biết, trước khi có quy định này, Thành ủy TP HCM có Quy định 1374 về giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thông tin phản ảnh đến từ 4 nguồn gồm: ý kiến cử tri; giám sát của cơ quan dân cử như đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội, Mặt trận tổ quốc các cấp; phản ánh của báo chí.
Dù không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào, nhưng sau 5 năm thực hiện Quy định 1374, thành phố đã tiếp nhận hơn 9.864 thông tin phản ảnh, trong đó từ nguồn khiếu nại tố cáo chiếm gần 50%. Tỷ lệ xử lý thông tin theo báo cáo đạt trên 97% và 30 tổ chức đảng bị kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo. Về cá nhân, có 405 đảng viên bị kỷ luật. Về mặt chính quyền có 453 cán bộ bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau.
Theo đại diện Thường trực Thành ủy, Quy định 1374 được đánh giá phát huy hiệu quả tốt, song trong bối cảnh này cần ban hành quy định mới. "Quy định mua tin là nâng lên một bước để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng", ông nói và cho biết mong muốn cao nhất là phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên.
Trả lời câu hỏi "mức chi phí 10 triệu đồng cho mỗi thông tin cung cấp có thấp hay không?", đại diện Thường trực Thành ủy cho biết mức phí này được đưa ra dựa trên quy định hiện hành. Tuy nhiên, với những tin đặc biệt, hiệu quả Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM là Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ có quyết định linh hoạt hơn.
"Người cung cấp thông tin cũng vì mục tiêu lớn là đấu tranh phòng chống tham nhũng chứ không phải để kiếm tiền. Phần thưởng chỉ là động viên, khuyến khích", ông nói và cho biết thành phố luôn có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin tố giác và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Lê Tuyết