Như mọi đứa trẻ miền Nam yêu thích cải lương, tuồng cổ, những điệu hò sông nước, tôi yêu mến những bài Bolero mà thời ấy gọi là “nhạc mùi”. “Mùi” là mùi mẫn, lâm ly, khiến ta rơi lệ. Giọng ca Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy đã khiến một đứa trẻ chưa hiểu hết câu chuyện buồn trong lời ca, chưa có chút trải nghiệm nào về cô đơn, cô khổ, chia cách, yêu đương, thân phận mà vẫn thấy âu sầu khôn tả.
Thuở nhỏ của tôi chưa từng nghe ai gọi Bolero là nhạc sến hay nhạc vàng. Hai thuật ngữ “nhạc sến” (có vẻ khinh thị), “nhạc vàng” (lại có vẻ tôn vinh hơi quá) sau này mới có.
Nhưng tôi và gia đình không đắm say riêng Bolero. Chúng tôi nghe nhiều loại nhạc khác, nên niềm yêu Bolero tuy vẫn nguyên vẹn, song không là duy nhất. Bolero là một trong các món ăn tinh thần có thể lựa chọn, tùy không khí, tùy tâm trạng mà nghe. Tôi được dạy như thế.
Khởi thủy Bolero tất nhiên là… Bolero. Điệu nhạc Cuba tình tứ đó đã du nhập vào đô thị miền Nam Việt Nam, được cải biến về hòa âm, được khoác cho những chiếc áo dân dã của người Việt trong giai điệu, lời ca. Theo cách ấy Bolero Việt tách dần khỏi nguyên gốc, phát triển như một dòng nhạc độc lập mang tính đô thị Việt và được các thị dân cùng đông đảo công chúng bình dân yêu chuộng. Lý do nó được yêu chuộng cũng không quá khó hiểu: thể điệu dễ hát, dễ đệm đàn, lời ca kể chuyện sầu bi dễ nhận được đồng cảm, cách trình diễn lại rất “bảo tồn truyền thống”, không tỏ ra vọng ngoại lai căng. Không khí căng như dây đàn trong những tháng năm gươm đao binh lửa được xoa dịu ít nhiều nhờ Bolero. Sự chia lìa với nguồn cội Latin đã lớn đến mức giờ đây không ai xếp Bolero Việt vào dòng nhạc Latin, Tropical nữa cả.
Nhưng như đã nói, tân nhạc Việt Nam không chỉ có Bolero. Có nhạc sôi động, kích động, có nhạc tình trí thức, có nhạc triết lý, có nhạc tôn giáo. Bolero không bị coi thường mà cũng không thể độc tôn. Cái sự độc tôn của dòng nhạc này chỉ thực sự diễn ra bốn năm nay, theo đà cơn thác game show. Như thể người ta mới phát hiện ra Bolero bốn năm nay mà thôi. Thì cũng không sao cả, tôi nghĩ. Tuy nó hơi giống với một thứ tình đơn phương: Ta yêu Bolero nhưng Bolero không chắc đã yêu ta.
Các ca sĩ xưa hát Bolero một cách chân phương nền nã. Những nhạc công đệm nhạc cũng nương nhẹ khẽ khàng. Đây đó, thoang thoảng tiếng quét của “chổi” trên dàn trống, tiếng đại hồ cầm bập bùng như tim đập, tiếng kèn ai oán mà không quá, chỉ vừa đủ cho một cảm giác mất mát. Câu chuyện, thường là buồn, được kể tiết chế, gây cộng hưởng cảm xúc theo chiều hướng tích cực. Người nghe thấm thía sự u sầu nhưng không bị nó vùi xuống, mà thậm chí còn thấy phấn chấn hơn. Không phải bài hát Bolero nào cũng hội đủ các điều kiện về kỹ thuật, nội dung và xúc cảm như vừa nói. Vì vậy, ngày xưa không có nhiều bài bản Bolero như ta nhầm tưởng.
Có thể có đến cả ngàn bài hát Bolero được nhà xuất bản in dưới dạng nhạc bướm, song con số bài thực sự đạt chuẩn chỉ chừng năm mươi. Thật sự, không hơn.
Tôi đã dành kha khá thời gian tìm hiểu cách viết một ca khúc Bolero và xin nói thật, tôi không viết nổi. Phân tích cách tác khúc của các “ông vua Bolero” như Trúc Phương, Lam Phương, tôi nể phục vô cùng. Dường như những gì thích hợp nhất, đúng đắn nhất, đi vào lòng người nhất đã được các nhạc sĩ đầu bảng đó khai thác hết. Thành thử, dẫu có yêu, tôi cũng chỉ có tình yêu một chiều với Bolero, không hề được yêu lại.
Các ca sĩ và ca nhân hiện giờ hẳn cũng chỉ yêu đơn phương Bolero, ít người được bản thân dòng nhạc này yêu lại. Hiện trạng Bolero nếu cứ tiếp diễn theo đà này, tôi chắc chắn sự bát nháo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn: giới hàn lâm coi thường, không phải coi thường bolero mà là cách hát; công chúng nghe mãi đâm chán, bài hay bị khai thác mãi rồi muốn đổi món phải dùng bài dở. Bolero, vốn khởi đầu là một dòng nhạc hướng về cảm xúc, giờ thành nhạc trình diễn, nhạc trò chơi. Điều này thật đáng buồn.
Bởi vì chúng ta yêu mà không hiểu, cũng không đủ tôn trọng Bolero. Thì làm sao Bolero yêu chúng ta được?
Suy cho cùng, chẳng phải lỗi ở những người tham gia game show. Cơn sốt game show toàn cầu đã tha hóa không ít thể loại nhạc kinh điển, mà Bolero chỉ là một trong các nạn nhân. Cơn sốt game show đã làm giảm chất lượng giải Grammy, đã tạo ra một thế hệ giải trí không chuyên bởi ta không thể gọi người dự trò chơi là nghệ sĩ. Và tình yêu nói riêng dành cho Bolero không những không tinh khiết hơn như một giá trị cần bảo dưỡng mà còn tạp nhạp hơn, nhí nhố hơn, màu mè hơn.
Khi tình yêu cho một đối tượng đã xuống cấp, xác suất được đối tượng đáp lại tình yêu càng thấp. Để rồi mãi mãi đó là một tình yêu đơn phương. Vô phương cứu vãn.
Quốc Bảo