Trịnh Công Sơn và Hoàng Anh. |
Nhạc sĩ họ Trịnh thường qua nhà cô chơi, giữa bao nhiêu người lớn tuổi nói toàn chuyện trên trời dưới biển thì chỉ có cô thiếu nữ này mới hiểu thấu tâm can ông.
Sinh nhật mình, Hoàng Anh đến nhà nhạc sĩ nói rằng muốn ăn cơm cùng ông. Định mệnh và cá tính mạnh mẽ của cô đã làm nhạc sĩ hiểu rằng đó sẽ là người phụ nữ chứng kiến những niềm vui, nỗi đau và cả những uẩn khúc mơ hồ trong cuộc đời mình.
Trước mặt mọi người, cô gọi ông bằng cậu, nhưng khi chỉ có hai người với nhau thì gọi tên, thậm chí vui vẻ còn gọi mày tao. Mọi người nhận xét ông ít nói, nhưng chỉ có cô hiểu rằng ông không thích nói với cánh mày râu mà chỉ có hứng khi nói với các cô gái xinh đẹp. Tuy vậy, không phải cô nào cũng hiểu được nhạc sĩ, riêng Hoàng Anh, khi Trịnh Công Sơn bàn về vấn đề gì đó mà cô không hiểu, lập tức cô sẽ tìm sách về vấn đề đó để lần sau có thể đồng cảm cùng ông. Cứ như vậy, họ trở thành tri kỷ.
Trịnh Công Sơn uống rượu quá nhiều nên sức khỏe của ông hao tổn ghê gớm. Thông thường, 9 giờ sáng, ông dậy ra vườn ngồi chơi, lúc đó đã có người đến thăm và bắt đầu uống. Khách cứ đến, chủ cứ rót rượu để chờ đến buổi trưa có người đến ăn cơm cùng, những hôm cô không đến được, ông rất buồn.
Biết ông sống một mình nên Hoàng Anh luôn gọi điện cho một người bạn của ông hay một ca sĩ nào đó nhắn họ đến ăn cơm cùng ông, bởi cô không thể suốt ngày bên nhạc sĩ. Nhiều khi gọi không được ai, cô điện thoại thăm. Ông thường nói: "Buồn là nghề của tôi rồi", vậy là Hoàng Anh bỏ hết chạy đến với nhạc sĩ.
Sau bữa trưa, Trịnh Công Sơn ngủ một tiếng rồi lại ra ngồi ngoài vườn. Thời gian này, khách đến đông nhất và lại hát hò, uống rượu. Đến tối, ông đi ăn với vài người bạn, nếu không thì nhạc sĩ sẽ đến một trong ba quán ăn của các em là quán Trịnh, quán Típ, quán Ba Miền. Mỗi khi có mặt nhạc sĩ ở quán nào là ở đó đông vui
10 giờ đêm, lại có người rủ đi nhậu, nếu đi thì 12 giờ ông mới về nhà rồi lại làm việc đến 4 giờ sáng. Hoàng Anh rất lo lắng, cô hay càu nhàu về chuyện này, thậm chí có hôm cô còn tới nơi ông uống rượu để đưa về nhà. Trịnh Công Sơn là người cả nể, chiều bạn nên ông không từ chối một cuộc họp mặt nào.
Ngoài sáng tác nhạc, Trịnh Công Sơn vẽ rất nhiều tranh. Bức lớn nhất ông vẽ về Vân Anh cũng là một người bạn gái của mình, vẽ to bằng người thật. Với Hoàng Anh, nhạc sĩ chỉ vẽ chân dung vì ông mê khuôn mặt thánh thiện của cô. Sinh nhật nào của Hoàng Anh, ông cũng vẽ tặng một bức, tính ra đã hơn mười bức và cô được tặng hai trong số đó. Có một tác phẩm của ông vẽ chân dung cô rất lớn nhưng không hiểu ai đem bán ra bên ngoài, một người bạn của Trịnh Công Sơn đã mua rồi tặng lại cô khiến Hoàng Anh rất cảm động.
Là người nổi tiếng, có nhiều bài hát được sử dụng trong các đêm nhạc nhưng Trịnh Công Sơn lại không dư dả về tiền bạc. Hoàng Anh cũng không biết gì nhiều về chuyện ông có được trả tiền tác quyền như thế nào. Chỉ duy nhất một lần cô đến chơi, ông rút trong ngăn kéo ra một phong bì có 400 USD mà Khánh Ly trả tiền bản quyền, hôm đó ông muốn cô mặc áo dài nên dẫn đi may.
Dẫu không ôm mộng làm ca sĩ (Trịnh Công Sơn nói rằng trong đời ông sợ nhất là Hoàng Anh và cô cháu gái Típ hát) nhưng Hoàng Anh cũng cầm kỳ thi họa chẳng kém ai. Cô làm rất nhiều thơ, nhất là sau khi Trịnh Công Sơn mất. Cô quyết định không lấy chồng vì nghĩ rằng không còn hình ảnh nào xứng đáng hơn người nhạc sĩ của tình yêu trong lòng mình. Trước đây, mọi người nghĩ Trịnh Công Sơn là người không bình thường trong đời sống riêng tư. Hoàng Anh phủ nhận điều đó, cô cho rằng ông là người bình thường đến dung dị. Nhạc sĩ từng ao ước nếu sinh được một đứa con, ông sẽ đặt tên là Hoàng Hạc.
Trịnh Công Sơn cũng làm nhiều thơ tặng Hoàng Anh. Bài thơ sau viết khi ông ốm dậy viết riêng cho cô giống như một lời thổn thức:
Đường xa vạn dặm em ngồi
Nỗi đời xa vắng, nỗi trời đắn đo
Em là nhật nguyệt từ đây
Tuổi mười chín ấy cũng phai phai người
Em ơi hồng sẽ phai hồng
Đóa hoa hàm tiếu phiêu bồng nỗi đau
Hoa vàng một đóa lạ lùng
Gió chiều tĩnh mịch sẽ trùng trùng xa
Em ơi tịch mịch bây giờ
Ấy là nhan sắc đâu ngờ mất nhau.
(Theo An Ninh Thế Giới)