Con thuyền nhỏ của anh Bùi Văn Dũng (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) phành phạch cắt ngang cánh rừng phòng hộ xã Đa Lộc hướng nhanh về phía đảo Nẹ - nơi có hàng trăm hộ dân Hậu Lộc đang nuôi ngao biển. Để đến “thủ phủ của ngao”, phải mất hơn một giờ, vượt quãng đường dài hơn 2 hải lý.
Nuôi một vựa ngao từ khi con vật chỉ bằng hạt cát đến khi có thể đem bán, ngư dân phải dầm sương dãi nắng, nhiều tháng đánh vật với sóng và gió biển. Một trong những trở ngại của họ là nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, bởi chòi canh ngao thường cách đất liền rất xa, có khi đến mấy cây số.
Những năm trước, muốn có nước ngọt sinh hoạt, ngư dân phải dùng rất nhiều xô chậu hay can nhựa đựng nước mang từ đất liền ra chòi rồi tằn tiện dùng cho ít nhất một tuần. “Năm nào bà con cũng phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn. Việc có được nước ngọt giữa biển khơi bao la này chỉ là giấc mơ”, anh Dũng nói và cho hay. Sáng kiến khoan giếng của người dân đã biến ước mơ của họ thành hiện thực.

Vùng triều nuôi ngao của ngư dân Hậu Lộc, Nga Sơn (Thanh Hóa) kéo dài từ gần ven đê đến giáp chân đảo Nẹ. Hàng nghìn chiếc chòi nuôi ngao được dựng tạm bợ nằm chênh vênh giữa bốn bề sóng nước. Ảnh: Lê Hoàng.
Vựa ngao của ngư dân Bùi Xuân Quang (xã Nga Tân, Nga Sơn) nằm gần với vựa của anh Dũng. Bước chân thoăn thoắt từ thuyền lên căn chòi cao hơn 4 m, anh Quang cho biết từng lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc kiếm ăn khi mới mười tám đôi mươi, cuối cùng Quang quyết định về quê làm nghề chài lưới.
Tiết kiệm được vài trăm triệu, cách đây 3 năm, vợ chồng anh vay mượn thêm bạn bè, mua lại cánh đồng nuôi ngao rộng hơn 6 ha ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc. Ngoài việc nuôi ngao, hàng ngày vợ chồng Quang thả thêm ít lồng bát quái (loại lồng bẫy đánh bắt cua, cá) kiếm thêm thu nhập nuôi 3 con ăn học.
Nói về cuộc săn tìm nguồn nước ngọt trên biển, Quang tự hào cho biết mình là một trong những người đầu tiên tìm ra nguồn nước ngọt ở vùng biển Hậu Lộc. Từ khi mua đồng ngao, vợ chồng anh cứ dăm ngày lại phải chạy thuyền vào bờ chở nước ngọt ra sinh hoạt. Mỗi lần vào ra mất gần chục lít dầu. Những ngày thủy triều lên cao thì không sao, gặp hôm nước kém, thủy triều xuống cạn thì việc đi lại càng thêm chật vật.
Cách đây hơn năm, nghe nói một chủ đồng ngao ở Kim Sơn (Ninh Bình) khoan được nước ngọt giữa biển, Quang dong thuyền men theo bờ chạy một mạch sang Kim Sơn tìm hiểu. Nhưng rồi anh thất vọng vì nguồn nước mà chủ đồng ngao ở Kim Sơn khoan được chỉ là thứ nước lợ, không thể dùng ăn uống. “Biết nguồn nước lợ này được khoan ở độ sâu 70 m từ mặt biển xuống, tôi chợt nghĩ, biết đâu mình khoan sâu xuống thêm vài chục mét nữa sẽ có nước ngọt”, Quang kể.
Dong thuyền về, Quang quyết định thuê thợ tìm nguồn nước ngọt. Nhưng khi nghe đi khoan giếng ngoài biển thì các nhóm thợ trong vùng đều lắc đầu từ chối. Thậm chí có người còn giễu cợt cho rằng đầu óc anh “có vấn đề”. Nhiều lần thuyết phục mới có một tốp thợ đưa máy ra chòi canh giữa biển khoan giếng giúp Quang. Cứ tranh thủ 3 tiếng mỗi ngày khi thủy triều rút khỏi bãi ngao, Quang và cánh thợ hì hục khoan giếng trước sự nghi ngại của mọi người.
“Mất ba ngày, khi mũi khoan chạm đến độ sâu hơn trăm mét, một dòng nước phụt lên trong vắt. Vộc tay nếm thử ngụm nước từ đáy biển, thấy ngọt lừ, tôi vui mừng đến trào nước mắt”, Quang kể. Ông chủ trẻ chưa yên tâm, hô vợ con lấy tất cả nồi niêu, thùng thảng trong chòi ra đổ nước vào rồi "nín thở" theo dõi.

Ngư dân Bùi Xuân Quang bên giếng nước ngọt mới săn tìm được sau nhiều ngày kỳ công. Quang tâm sự, với bà con nuôi ngao, việc tìm ra nguồn nước ngọt như "vớ được vàng". Ảnh: Lê Hoàng.
“Sau nhiều ngày đựng trong xoong chậu, nước từ giếng khoan của gia đình vẫn trong veo không đóng váng, không đổi màu đỏ sắt, không có mùi lạ... lúc đó tôi nghĩ mình đã vớ được vàng”, Quang tâm sự và cho hay, khi dùng nấu cơm, hay đun nước uống còn cho cảm giác ngon hơn nước từ trong bờ mà anh phải rất vất vả mang ra.
Nghe tin Quang tìm được nước ngọt, hàng trăm chủ đồng nuôi ngao ở vùng Hậu Lộc, Nga Sơn kéo đến xem. Nhiều chủ đồng mạnh dạn thuê thợ về khoan giếng, nhưng hầu hết thất bại. Nhiều người khoan đến 4-5 mũi tới độ sâu cả vài trăm mét nhưng vẫn không thấy nước ngọt. Có đến hơn trăm mũi khoan cắm xuống lòng biển ở Thanh Hóa, chỉ một phần rất nhỏ trong số đó là chạm được mạch nước ngọt. Trong đó, giếng của gia đình Quang được cho là ngọt hơn cả.
Từ ngày Quang và một số chủ đồng nuôi tìm thấy mạch nước ngọt dưới đáy biển, việc sinh hoạt của các gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Bớt nỗi lo thiếu nước ngọt cũng là một động lực để họ bám biển mưu sinh. Tuy nhiên, vài năm gần đây, con ngao rớt giá không bằng nửa mức giá trước kia (chỉ khoảng 10.000-12.000 đồng/kg) khiến lòng dạ người dân ngổn ngang.
“Nghề nuôi ngao thường lấy đêm làm ngày vì ban đêm nước rút, ngao nổi lên mới bắt được. Khi thủy triều rút để lộ những vệt cát loang lổ bên cạnh những chiếc cọc chòi canh ngao là buổi lao động cực nhọc của ngư dân bắt đầu”, anh Bùi Văn Ngọc trú tại thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, chia sẻ.
Hai năm trước, Ngọc bỏ 200 triệu vào đồng ngao với mong muốn có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, người thanh niên trẻ luôn trong tâm trạng thấp thỏm bởi rủi ro treo lơ lửng trên đầu.

Nước ngọt giúp ngư dân tắm giặt, ăn uống mà không cần phải mất công vận chuyển ra từ đất liền như trước. Ảnh: Lê Hoàng.
"Nghề nuôi ngao vài năm trở lại đây thu nhập rất bấp bênh do ngao chết nhiều, hoặc giá xuống thê thảm. Đó là chưa kể những năm mưa bão đổ bộ, bà con không kịp gom ngao, chỉ lo vào đất liền tránh trú nên nhiều tài sản bị cuốn phăng", Ngọc nói và cho hay năm rồi đón Tết trên chòi ngao, chỉ thấy xung quanh mênh mông sóng nước mà nhớ đất liền, nhớ nhà đến nao lòng...
Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho hay, nuôi ngao là một nghề thế mạnh của địa phương, nhưng vài năm gần đây nghề này gặp nhiều khó khăn. "Chính quyền đang nỗ lực tìm giải pháp để phát triển ổn định nghề nuôi ngao đồng thời giúp người dân các vùng ven biển giảm nghèo nhanh và bền vững", ông Hoằng nói.
Khoảng dăm bảy năm trước, nghề nuôi ngao ở vùng triều ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ bất ngờ “gặp vận”. Con ngao thương phẩm cho lợi nhuận rất cao nên nhiều hộ dân giàu lên nhanh chóng, chỉ qua vài vụ ngao, một số chủ đầm đã trở thành tỷ phú. Từ đó, hàng nghìn hộ dân địa phương đổ xô ra biển tìm bãi nuôi thả ngao. Cả nghìn ha vùng triều ven biển ở Kim Sơn (Ninh Bình) hay các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa… (Thanh Hóa) được chính quyền cho dân đấu thầu nuôi thả ngao. Nhà nhà, người người gồng gánh ra biển mưu sinh, ai cũng mang theo ước vọng đổi đời từ con ngao. Theo Sở Nông nghiệp Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 1.050 ha diện tích mặt nước nuôi ngao. Trong đó chủ yếu tập trung ở hai huyện Hậu Lộc và Nga Sơn, với nguồn vốn đầu tư mua con giống và cải tạo bờ bãi lên tới hàng trăm tỷ đồng. |
Lê Hoàng