Giới chuyên gia cho rằng, việc chọn dầu ăn theo cảm tính như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe cho người sử dụng.
Muôn kiểu chọn dầu ăn
Tại siêu thị Intimex Giảng Võ, sáng 8/10, chị Minh Anh nâng lên đặt xuống chai dầu ăn của 3 thương hiệu khác nhau. Cân nhắc một hồi, chị quyết định chọn sản phẩm đang có chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Chị Giang Thu Thảo ở Thường Tín, Hà Nội cũng có chung quan điểm chọn dầu ăn theo giá cả, khuyến mãi. “Nhà mình có bốn thành viên nhưng khẩu vị cả bốn người đều giống nhau. Đặc biệt hơn cả nhà thích ăn đồ rán, chiên, xào nên dầu ăn tiêu tốn nhất trong tất cả các loại gia vị. Mình thường xuyên theo dõi các tờ rơi hoặc quảng cáo ở siêu thị để canh thời gian giảm giá và khuân về cả thùng lớn. Đợt trung thu vừa rồi mình với ông xã cũng mua 2 thùng dầu ăn, chắc dùng đến Tết mới hết”, chị Thảo chia sẻ.
Khác với chị Thảo, chị Nguyễn Thanh Thủy ở quận 6, TP HCM lại lấy tiêu chí màu sắc để lựa chọn dầu. Theo chị, dầu ăn nếu kém chất lượng thì sẽ xỉn, màu sậm. Vì vậy, chị chỉ chọn mua loại dầu nào có màu vàng tươi, không bị sánh.
Một khảo sát trên VnExpress vào tháng 9 qua với gần 1.000 độc giả tham gia cũng cho thấy 80% người tiêu dùng cho biết họ lựa chọn dầu ăn theo các tiêu chí rất cảm tính như màu sắc, mẫu mã bao bì bắt mắt hay thậm chí là căn cứ vào… hiện tượng đông của dầu ăn ở nhiệt độ thấp. Nhiều người khác chọn mua dầu ăn vì có khuyến mại, do người quen giới thiệu. Chỉ gần 20% bà nội trợ quan tâm đến thành phần, nguyên liệu làm nên sản phẩm. Con số trên cho thấy hiện nay nhiều người tiêu dùng đang có thói quen chọn lựa dầu ăn một cách rất cảm tính.
Khảo sát thêm tại một số chợ, quán tạp hóa cho thấy, đa số người nội trợ có tiêu chí chọn dầu ăn như cách chị Thảo, chị Thủy ở trên. Tuy nhiên, theo chị Đào Thùy Linh (chủ siêu thị Chi Mai Mini Mart, Hà Nội), tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, nguời tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến uy tín thương hiệu và chú trọng đến thành phần nguyên liệu dầu của từng sản phẩm.
Cách chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, thực tế đã cho thấy rất hiếm bà nội trợ quan tâm hay tìm hiểu liệu chai dầu mình đang sử dụng làm từ nguyên liệu gì, nguồn gốc ra sao, thành phần dinh dưỡng thế nào... Những thói quen lựa chọn thiếu cơ sở khoa học rất có thể khiến người tiêu dùng chọn nhầm dầu ăn kém chất lượng. Điều này không những làm giảm chất lượng bữa ăn hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khẳng định: “Hiểu biết về thành phần nguyên liệu tạo nên dầu ăn đóng vai trò rất quan trọng. Dầu ăn chất lượng là loại dầu có nguồn gốc từ thành phần nguyên liệu tự nhiên, cao cấp chứa nhiều axit béo không no và các dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Vì vậy chính nguyên liệu thành phần chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác, mới là tiêu chí làm nên sự khác biệt giữa dầu ăn cao cấp và dầu ăn kém chất lượng”.
Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn các loại dầu làm từ thành phần nguyên liệu tốt cho sức khỏe. Ví dụ, hiện nay các nhà khoa học đã tìm thấy trong dầu gạo chứa rất nhiều dưỡng chất Gamma-Oryzanol có khả năng chống ô-xi hóa mạnh mẽ. Chất chống ô-xi hóa tự nhiên này có tác dụng rõ rệt trong việc giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư… Dầu hướng dương chứa hàm lượng Vitamin E cao nhất so với các loại dầu thực vật. Còn dầu đậu nành có hàm lượng cao chất béo không bão hòa đa như Omega 3, 6, 9 cùng hợp chất chống ô-xy hóa tự nhiên Phytosterols giúp giảm cholesterol xấu, bảo vệ sức khỏe tim mạch…
Tiến sĩ Lâm cũng cho biết thêm, đặc tính của từng loại dầu nguyên liệu là nguyên nhân chính dẫn đến màu dầu sáng hay đậm. Do vậy, màu dầu sáng cũng chưa thể bảo đảm được chất lượng cho sản phẩm, bởi trên thị trường từng có những sản phẩm dầu ăn được “tái sinh” bằng xút công nghiệp từ loại dầu đã qua sử dụng, được “biến hóa” thành dầu ăn có màu sáng, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Thế nên, nếu chỉ dựa vào màu sắc của dầu để quyết định chất lượng sẽ có thể dẫn đến những lựa chọn sai lầm, nên chọn sản phẩm từ các nhãn hiệu và nhà sản xuất uy tín để an tâm về chất lượng.
Như vậy có thể nói nguyên liệu dầu là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng dầu ăn thành phẩm, tùy vào nhu cầu bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, nguời tiêu dùng cần căn cứ trên nguyên liệu thành phần dầu để có thể chọn loại phù hợp, nên chọn sản phẩm kết hợp các thành phần dầu tự nhiên, cao cấp, để mang lại chất lượng bữa ăn, cũng như ích lợi sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Tuệ Linh