Khủng hoảng sữa độc lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 10. Tại siêu thị Thái Hà (Hà Nội) mấy ngày qua, các sản phẩm sữa hầu như nằm bất động trên giá, dù giấy chứng nhận chất lượng đã được dán tại quầy. Chị Phương ở Đống Đa, Hà Nội tần ngần trước quầy bán các sản phẩm sữa tươi của một hãng quen thuộc và cẩn thận đọc từng câu từng chữ ghi trong tờ giấy chứng nhận. Nhấc lên đặt xuống, cuối cùng chị quyết định chuyển sang dùng một sản phẩm khác.
Từ hôm qua, sinh hoạt của gia đình chị Hà ở Hào Nam (Hà Nội) cũng bị xáo trộn bởi thông tin Netsle ở Trung Quốc có chứa độc tố melamine, trong khi con gái 2 tuổi của chị dùng sản phẩm này từ khi lọt lòng. Lập tức, toàn bộ sản phẩm mà chị đã mua về được quăng vào sọt rác. Chưa hết lo âu sáng nay chị Hà đưa con gái vào viện để xét nghiệm. "Tôi thực sự mất lòng tin. Tôi không biết phải cho con mình sử dụng sản phẩm nào cho an toàn. Không biết các nhà sản xuất có nghĩ rằng vì sự vô tâm của chính họ đã ảnh hưởng đến những đứa trẻ vô tội hay không?", chị Hà nói.
Gần 9.700 độc giả đã tham gia cuộc trưng cầu ý kiến trên VnExpress.net về phản ứng sau khi biết thông tin sữa nhiễm độc. Hơn 90% trong số đó tỏ ý thận trọng khi lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt 11% cho biết sẽ tẩy chay sữa và chuyển sang dùng các sản phẩm dinh dưỡng khác để thay thế.
Bảng thăm dò ý kiến của VnExpress. |
Câu chuyện trên thị trường sữa chỉ là giọt nước làm tràn ly. Đầu tháng 7/2008, sự kiện hy hữu xảy ra trong ngành điện lực, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm độc quyền, lãnh đạo EVN lên phương tiện thông tin đại chúng để xin lỗi người tiêu dùng về việc cắt điện không báo trước.
Thế nhưng, sau lời xin lỗi, tình hình cũng không khá hơn, điện vẫn cúp ở khắp nơi, bất chấp phản ứng của doanh nghiệp về sự xáo trộn sản xuất, sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng. Tức nước vỡ bờ, ngày 23/7, lần đầu tiên trong lịch sử, 6 doanh nghiệp tại TP HCM đồng loạt gửi đơn đến Văn phòng tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phía Nam khiếu nại chuyện "nhà đèn" cắt điện không báo trước khiến hoạt động sản xuất của họ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, giống như chuyện tắc đường, hoãn chuyến bay, ông điện lực lấy lý do khách quan không có điện dự phòng, thiếu vốn đầu tư cho các nhà máy, sự việc lại dần đi vào quên lãng.
Người tiêu dùng thận trọng hơn khi mua hàng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, hồi tháng 8/2006, lần đầu tiên trong lịch sử ngành viễn thông, có một khách hàng đòi kiện nhà cung cấp dịch vụ di động vì sóng kém. Sau đó một tuần, 10.000 tấn xăng chứa aceton tràn về TP HCM khiến xe máy chết hàng loạt. Vụ xăng bẩn chưa kịp lắng thì đến cuối tháng 9 lại bung ra chuyện sữa mang nhãn "sữa tươi" trên thị trường là sản phẩm chế biến từ sữa bột. Đáng chú ý, tất cả các nhãn này đều đã được cơ quan chức năng chứng nhận lưu hành hợp pháp.
Năm 2006 qua đi, tại sao aceton được pha vào xăng vẫn là câu hỏi không có lời đáp, kết quả thanh tra sữa tươi chưa được công bố đầy đủ, vì lý do nhạy cảm. Doanh nghiệp nhập xăng bẩn nghiễm nhiên thoát tội vì aceton không nằm trong danh mục các tạp chất cấm lưu hành. Các hãng sữa cũng chỉ bị xem xét trách nhiệm về ghi sai nhãn mác.
Giới luật sư nhìn nhận, các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã có nhưng lại nằm rải rác ở các văn bản luật và chưa đủ mạnh để răn đe đối với hành vi làm giả hàng hóa, chất lượng kém gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà, nếu căn cứ vào Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì khách hàng thiệt hại khi mua phải hàng giả, kém chất lượng đều có quyền khởi kiện, nếu hòa giải không thành với người bán. Thế nhưng người tiêu dùng rất khó có cơ hội thắng kiện vì thiếu chứng cứ tố tụng, ở đây là hóa đơn và biên bản ghi nhận thiệt hại.
Không có cơ sở để khởi kiện nhà cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình, bằng việc chọn thương hiệu tốt để mua. Thế nhưng, cú sốc sữa bột chưa qua thì thông tin về chất melamine có trong các sản phẩm sữa nhập về từ Trung Quốc được lưu hành tại VN một lần nữa giáng vào niềm tin của người tiêu dùng. Lập tức sản phẩm sữa bị tẩy chay, các bà mẹ quay sang tìm những sản phẩm tự nhiên có nguồn đạm tương đương để thay thế.
Trao đổi với VnExpress.net, các doanh nghiệp thừa nhận sau sự cố sữa bột hồi cuối năm 2006, đã gần như kiệt sức nên đứng trước sự cố melamine, họ không biết phải xử lý như thế nào. Không có một lời nào để giải thích, và thậm chí "có lấy đầu lãnh đạo cấp cao" ra để khẳng định chất lượng của mình thì người tiêu dùng chưa chắc đã tin.
Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - Nguyễn Minh Phong nhìn nhận đây là hệ quả tất yếu mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi niềm tin của người tiêu dùng bị đánh cắp. Theo ông, khi người tiêu dùng không còn tin vào chữ tín của doanh nghiệp, đạo đức của nhà sản xuất thì việc có thể làm để bảo vệ bản thân là: Tẩy chay hàng hóa. Giống như "bát nước đổ đi", khi thương hiệu bị hoen ố, doanh nghiệp rất khó lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc lấy lại lòng tin của khách hàng vì sự mất uy tín của thương hiệu do tệ gian dối và lừa đảo đang là cuộc chiến đấu quyết liệt ở Trung Quốc. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã bất chấp cả sức khỏe và sinh mệnh của người tiêu dùng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố không chỉ người dân EU, mà trên toàn thế giới đã mất lòng tin vào hàng hóa của Trung Quốc. Ở Hong Kong, sau vụ việc cá chứa hóa chất gây ung thư, có đến 40% dân Hong Kong được hỏi nói sẽ không ăn cá nhập từ đại lục trong vòng vài tháng tới. Không chỉ người tiêu dùng thế giới mất lòng tin vào hàng Trung Quốc, theo điều tra của Bộ Thương mại Trung Quốc, sau hàng loạt vụ mất an toàn thực phẩm và dược phẩm bị vạch trần, hiện nay mức độ tin cậy trong nước vào thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cũng chỉ còn 50%.
Bài học về lòng tin của các doanh nghiệp Trung Quốc chắc chắn là kinh nghiệm quý giá với doanh nhân VN.
Hồng Anh