Cửa hàng không trả lại tiền theo yêu cầu trả lại hàng với lý do trong giấy đặt cọc có dòng chữ nhỏ: “Quý khách đồng ý mua máy cam kết không trả lại máy. Công ty không hoàn lại tiền đặt cọc và tiền mua máy với bất kỳ lí do gì.”
Anh trần tình với tôi rằng, vì chủ quan anh đã không đọc kỹ nội dung tờ đơn đặt hàng. Phía cửa hàng cũng không hề thông báo nội dung của dòng chữ nhỏ chết người kia. Sau khi vụ việc xảy ra, anh đã nhiều lần liên hệ với cửa hàng, nêu hoàn cảnh khó khăn của gia đình đề nghị giúp đỡ trả lại tiền cọc. Tuy nhiên, phía cửa hàng không chấp nhận.
Bức xúc nhưng không biết làm gì, ông bố khốn khổ - người đã phải đi vay gần trăm triệu đồng để mua chiếc máy trợ thính cho con - chỉ biết bất lực đưa câu chuyện lên Facebook với lời kêu gọi mọi người hãy chia sẻ và lên tiếng.
Việc đưa những câu chuyện ấm ức liên quan đến tiêu dùng lên Facebook cá nhân, rồi kêu gọi mọi người chia sẻ đã trở nên rất quen thuộc. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi người ta không biết làm gì, chẳng biết bấu víu vào đâu để bảo vệ quyền lợi của mình.
Các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động một cách mờ nhạt. Thậm chí có lẽ cũng không quá lời khi người tiêu dùng gần như không quan tâm đến sự tồn tại của nó. Chưa có nghiên cứu nào đánh giá xem có bao nhiêu khách hàng hay cơ sở kinh doanh Việt Nam biết đến sự tồn tại, cũng như quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng tôi tin rằng không nhiều.
Chắc chắn rất nhiều người khi đọc điều khoản: “Quý khách đồng ý mua máy cam kết không trả lại máy. Công ty không hoàn lại tiền đặt cọc và tiền mua máy với bất kỳ lý do gì” thì sẽ mặc nhiên nghĩ rằng phía cửa hàng đã nắm đằng chuôi. Anh người quen của tôi cũng vậy.
Nhưng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010 không chấp nhận sự vô lý ấy. Cụ thể điều 16 về Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung sẽ không có hiệu lực nếu: “Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật” và “Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình”.
Như vậy, luật của chúng ta tương đối chặt chẽ và tiến bộ, không mấy thua kém với các nước phát triển. Luật tiêu dùng của Australia, nơi tôi từng sống cũng không chấp nhận phía cung cấp hàng hóa đưa ra điều khoản “cấm hoàn trả”. Thế nhưng, vấn đề một lần nữa lại nằm ở việc thực thi. Đó là trách nhiệm của nhà chức trách.
Tôi tin không phải cơ sở bán máy trợ thính kia mới in dòng chữ không được pháp luật bảo hộ ấy lên đơn đặt hàng. Và với 4 chi nhánh ở Hà Nội với Sài Gòn, anh bạn tôi có lẽ không phải là “nạn nhân” duy nhất. Nhưng sự vô lý ấy vẫn ngang nhiên tồn tại. Quyền lợi của người tiêu dùng chưa bao giờ được quan tâm một cách đúng mức. Và theo tôi, đấy chính là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy là lối kinh doanh vô lương, chộp giật, chặt chém đang tồn tại đầy rẫy.
Có rất nhiều giải pháp, nếu chúng ta thực sự muốn. Đấy là thắt chặt ngay từ điều kiện kinh doanh. Muốn được cấp phép, cơ sở kinh doanh bắt buộc phải giới thiệu công khai những quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng theo luật và phải có chế tài xử lý kiên quyết và mạnh mẽ khi có vi phạm xảy ra...
Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nước ngoài có sức ảnh hưởng và quyền lực ghê gớm. Ví dụ như ở Australia, Apple đã phải chấp nhận nâng thời hạn bảo hành tại thị trường này lên thành 2 năm thay vì 1 năm như thông lệ của hãng trên toàn cầu. Cũng tại Australia, hệ thống siêu thị Coles cũng từng bị phạt 2,5 triệu euro chỉ vì quảng cáo gây hiểu nhầm là sản phẩm bánh mì “được làm trong ngày và bán trong ngày”. Hay mới đây, sau khi làm việc với Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC), Samsung đã quyết định chính thức khai tử Galaxy Note 7 trên toàn cầu.
Tất nhiên, tôi không chờ đợi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có thể đạt được những chiến tích lớn lao như thế. Chỉ hy vọng với chức phận của một hội những người tiêu dùng thấp cổ bé họng như người bạn tôi sẽ không còn chỉ biết cầu cứu Facebook.
Phan Tất Đức