Theo sau sự thành công của mô hình Groupon tại Mỹ, hàng loạt website với dịch vụ mua theo nhóm tương tự đã mở ra tại Việt Nam, tuy nhiên việc khách hàng có nhận được nhiều ưu đãi từ dịch vụ này hay không là một điều cần bàn cãi.
Trên các trang dịch vụ mua theo nhóm chiếm đa số vẫn là các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sắc đẹp… trong khi, nhóm mặt hàng các đồ điện tử rất hiếm hoi. Tuy nhiên, ngay cả khi xuất hiện thì "giá ưu đãi" của các sản phẩm công nghệ vẫn không hề rẻ hơn khi mua theo hình thức thông thường.
Đánh vào sự ham rẻ của người tiêu dùng, một số dịch vụ mua theo nhóm “khống giá” sản phẩm bán ra cao vời vợi, sau đó ghi mức giá ưu đãi để "loè" người tiêu dùng nhẹ dạ.
Trên website Nhommua.com, chiếc điện thoại FPT-F99 3G được đưa ra mức giá ưu đãi là 799.000 đồng (không tặng kèm sim) và trang này ghi rõ giá gốc của sản phẩm này là 1.490.000 đồng, mức giảm lên tới 47%.
Tuy nhiên, tại FPT Shop, đơn vị chính thức phân phối sản phẩm này, giá của chiếc FPT-F99 3G là 849.000 đồng và tặng kèm sim tuỳ từng thời điểm. Như vậy, việc mua Voucher (phiếu) giảm giá hay không chẳng đem lại điều gì cho người tiêu dùng.
“Thấy máy giá rẻ, tính năng cũng được nên định mua … chống cháy, nhưng mà tưởng mua theo nhóm giá rẻ hơn nhưng hoá ra cũng không rẻ”, anh Đinh Đức (Hàng Bột-Hà Nội) chia sẻ về ý định mua chiếc FPT- F99 3G tại trang web nhommua.com của mình.
![]() |
Chiếc FPT F99- 3G trên trang web muachung.com (phải) và giá sản phẩm tại FPT shop trong cùng một thời điểm. |
Thậm chí, ngoài việc dùng thủ thuật “nâng giá lên cao để hạ xuống thấp”, dịch vụ mua theo nhóm còn có biểu hiện mập mờ thông tin.
Anh Đinh Viết Sơn (Ngọc Khánh-Hà Nội) cho biết, thấy trên trang Nhóm mua có chiếc máy tính bảng Peak 7 Shock được quảng cáo là ưu đãi giảm giá từ 3.600.000 triệu đồng (giá gốc) xuống còn 1.850.000 đồng nên cũng định mua cho các nhu cầu của mình.
Là người khá chắc chắn, trước tiên anh tìm đến đơn vị bán sản phẩm này tại Trung Liệt (Đống Đa-Hà Nội) và được cho biết, đây thực ra là chiếc máy tính bảng mang tên mã là Sigo G30 (?) và giá bán tại đây cho sản phẩm này vẫn là... 1.850.000 đồng.
"Máy chạy Android 4.0 nhưng chạy rất chậm, màn hình lại thể hiện màu sắc không tốt nên về sau mình không mua", anh Sơn nói.
Thậm chí, thông tin ghi trên Nhóm mua cũng rất mập mờ khi miêu tả về chiếc máy được gọi là Peak 7 Shock như phần kết nối có ghi "USB 3G". Trên thực tế, chiếc máy mang tên mã Sigo G30 không có kết nối 3G, cũng không có cổng trực tiếp kết nối với USB mà phải mua thêm dây chuyển đổi. Như vậy, chiếc máy này cũng chẳng có gì hấp dẫn về mặt tính năng và giá cả so với những chiếc máy tính bảng khác.
Anh Sơn nói vui: "Dân công nghệ, ai mua đồ cũng phải tham khảo rất nhiều nơi, sau khi so sánh vài sản phẩm trên các trang mua theo nhóm, mình kết luận chỉ có thịt lừa là rẻ".
Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng hình thức mua theo nhóm cũng đem lại nhiều ưu đãi cho người người dùng, đặc biệt là trong cách dịch vụ về khách sạn và nhà hàng. Tuy nhiên, mặt trái của việc ưu đãi là người tiêu dùng cũng "hên xui" bởi các công ty cung cấp dịch vụ mua theo nhóm, lại không phải là các công ty cung cấp dịch vụ mà người dùng sử dụng trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, trợ lý Tổng giám đốc của công ty Nhóm Mua cho biết đối với những sản phẩm đắt tiền, công ty cũng có những sản phẩm mẫu cho khách hàng dùng thử trước khi mua tại các văn phòng đại diện của Nhóm mua.
Bà cũng cho biết thêm, đối với những khách hàng đã mua Voucher của công ty thì theo quy định, rất khó để hoàn lại tiền cho khách hàng nếu khách hàng không muốn sử dụng Voucher đó nữa. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ được bán qua một đơn vị trung gian sẽ không hề được dùng thử.
Về những thông tin liên quan đến hai sản phẩm FPT F99-3G và chiếc máy tính bảng Peak Shock 7 như đã phản ánh ở trên, bà cho biết sẽ liên hệ lại với các bộ phận liên quan để trả lời cụ thể đến người tiêu dùng.
(VTC news)