Tối 7/4, Zhang, sống ở quận Bảo Sơn, đã đề nghị đổi 10 quả trứng trong cuộc trò chuyện trên nhóm WeChat với hy vọng nhận lại chút trái cây. Cô may mắn được một người hàng xóm đồng ý đổi cho vài quả táo.
"Ban ngày thì không tiện. Tôi sẽ để trứng ở cổng tòa nhà của bạn ngay bây giờ và bạn nhanh đến lấy đi nhé", cô nói với người hàng xóm tên Anan vào khoảng 0h10 ngày 8/4. "Được rồi, tôi sẽ lấy và để táo ở đó. Trao đổi không gặp mặt cho đỡ lây nhiễm", Anan trả lời.
Người dân Thượng Hải lén đổi thực phẩm vào ban đêm để tránh bị giới chức phát hiện ra khỏi nhà do thành phố đang bị phong tỏa hoàn toàn. Nếu bị phát hiện, họ sẽ phải chịu những hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Người dân Thượng Hải đã quay lại mô hình kinh tế đổi chác không dùng tiền mặt, trao đổi nhu yếu phẩm khi siêu đô thị hơn 25 triệu dân bị phong tỏa gần hai tuần trước. Người dân đổi từ tỏi đến băng vệ sinh, sau khi được yêu cầu ở nhà để kiềm chế đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay do biến chủng Omicron có khả năng lây truyền cao.
Hầu hết các hộ gia đình đã nhận được một số nguồn cung nhu yếu phẩm từ thành phố, song phương thức giao dịch cổ xưa đã trở lại phổ biến trong các khu dân cư khi người dân nhận thấy nguồn cung từ chính quyền thấp và dịch vụ giao hàng không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu.
Thượng Hải hôm 7/4 ghi nhận hơn 21.000 ca Covid-19 mới, nâng tổng số ca từ đợt bùng phát bắt đầu hôm 1/3 lên 131.000. Hiện chưa rõ khi nào chính quyền thành phố sẽ dỡ lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Thượng Hải áp lệnh phong tỏa toàn phần từ 5/4, đảo ngược kế hoạch chấm dứt phong tỏa hai giai đoạn đối với khu vực Phố Đông và Phố Tây. Tuần qua, gần như toàn bộ người dân thành phố bị hạn chế trong nhà, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra chậm trễ nghiêm trọng trong việc giao nhu yếu phẩm cho nhiều người trong thành phố.
Phó thị trưởng Chen Tong hôm 7/4 thừa nhận cuộc sống hàng ngày của một số cư dân bị ảnh hưởng do giao hàng chậm, đồng thời khẳng định giới chức sẽ nỗ lực cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân.
Cici Chen, một phụ nữ sống ở quận Tùng Giang, cho biết trao đổi hàng hóa đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của cô và những cư dân trong khu nhà cô sống đang cố giúp đỡ nhau.
"Ban đầu một số người có đủ hàng sẽ cho người thiếu, nhưng những người nhận tặng lại thứ gì đó để tỏ lòng biết ơn. Dần dần nhiều người tham gia hơn và đó trở thành cách sinh tồn mới của chúng tôi", cô cho hay.
Chen đang nuôi con nhỏ hai tuổi nên được hàng xóm đưa sữa bột và bỉm, đổi lại cô cố kiếm sữa và trứng cho họ. Thực tế việc trao đổi không dễ dàng do hai bên sống trong các tòa nhà khác nhau. Chính quyền Thượng Hải đã nhấn mạnh rằng phong tỏa đồng nghĩa mọi người phải ở nhà cho đến khi các hạn chế được dỡ bỏ. Kết quả là mọi người không thể nhận hàng từ cổng khu dân cư, thậm chí không thể đi đổ rác.
Thay vào đó, các tình nguyện viên được chỉ định hoặc bảo vệ dân phố sẽ thực hiện những công việc này. Nhưng bất chấp nguy cơ bị phát hiện vi phạm lệnh phong tỏa, nhiều người đang làm điều đó để đổi lấy nguồn cung cấp cơ bản khi giới chức nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát dịch bệnh.
"Thông thường nói đến mối quan hệ với hàng xóm thì người Thượng Hải khá lạnh lùng, nhưng tình hình hiện nay đã gắn kết chúng tôi", Chen cho biết.
Huyền Lê (Theo SCMP)