Hôm nay, một thẩm phán tại Seoul (Hàn Quốc) đã chấp thuận đề nghị bắt giữ ông Lee từ phía công tố viên. Điều này có nghĩa ông sẽ bị tạm giữ tại một trung tâm để chờ quyết định của tòa án.
*Ông Lee Jae-yong bị công tố viên điều tra
Động thái hôm nay không đại diện cho phán quyết của tòa án. Nó chỉ có nghĩa tòa án cho rằng sự phạm tội (nếu có) sẽ là rất nghiêm trọng hoặc người bị cáo buộc có thể chạy trốn. Từ thời điểm này, các công tố sẽ có 20 ngày điều tra để nộp lên các tài liệu buộc tội chính thức.
Họ cho rằng ông Lee đã chi hàng chục triệu USD cho một quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil - bạn thân Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye, để được Chính phủ chấp thuận một thương vụ sáp nhập gây tranh cãi. Thương vụ này được cho là sẽ củng cố quyền lực của ông tại đế chế đa ngành lớn nhất Hàn Quốc này.
Lãnh đạo SK Group, Samsung và Lotte tại phiên điều trần tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AFP |
Ông Lee bị kết tội hối lộ, khai man, che giấu lợi nhuận phi pháp, biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, cả Samsung và ông đều phủ nhận những cáo buộc trên.
"Chúng tôi sẽ làm hết sức để đảm bảo sự thật được phơi bày trước tòa án", Samsung cho biết trong một thông báo hôm nay, sau tin thẩm phán chấp nhận lệnh bắt ông Lee.
Các công tố muốn bắt ông Lee từ tháng 1. Tuy nhiên, thẩm phán khi ấy đã bác bỏ yêu cầu này, do thiếu chứng cứ.
Vụ việc này nằm trong một scandal chính trị lớn, khiến hàng trăm nghìn người Hàn Quốc đổ ra đường biểu tình phản đối Tổng thống. Quốc hội nước này sau đó đã phải bỏ phiếu đình chỉ quyền lực của bà Park. Nhiều công ty lớn khác của Hàn Quốc cũng đang bị điều tra.
Sự việc này càng khiến danh tiếng Samsung bị ảnh hưởng, sau scandal điện thoại phát nổ năm ngoái. Dù vậy, ông Lee cũng không phải lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên tại Hàn Quốc bị cáo buộc tham nhũng. Cha ông - Chủ tịch Samsung Group - Lee Kun-hee đã bị kết tội hai lần, nhưng sau đó lại được ân xá.
Hà Thu - Anh Tú (theo CNN/BBC)