Thiều giới thiệu về những mẫu gốm do anh thiết kế. Ảnh: Tiền Phong. |
Từ tay trắng, bằng lòng yêu nghề, óc sáng tạo, anh đã “vẽ” nên diện mạo mới cho sản phẩm truyền thống của làng quê. Thiều kể, những năm cuối thập kỷ 90, gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng. Ngày đó nhà anh nghèo lắm, thu nhập cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Ăn nhiều khi còn chưa đủ, lên Hà Nội Thiều phải vừa học vừa làm.
Năm 1997, Thiều thi đỗ hai trường đại học, gia đình đã hướng Thiều học sư phạm, nhưng anh lại chọn trường Mỹ thuật Công nghiệp. Thiều tiết lộ: “Mình quyết tâm theo học ngành mỹ thuật để nuôi ước mơ khôi phục làng nghề. Mình muốn đưa hội họa và tạo hình vào sản phẩm gốm Phù Lãng”.
Thời gian làm việc thêm tại các công ty ở Hà Nội, Thiều đã sớm chứng tỏ được khả năng. Sau khi tốt nghiệp, Thiều được một số công ty mời về làm việc với mức lương từ 3-4 triệu đồng một tháng nhưng anh từ chối.
Gặp được anh Nhung (nghệ nhân Vũ Hữu Nhung, người cùng làng) và nhận được sự khích lệ nên Thiều quyết về quê mở lò gốm. Lúc đó tay không một đồng vốn, đồ nghề làm gốm không còn, lò phá bỏ từ lâu, nhưng Thiều được gia đình ủng hộ. Anh phải làm tất cả mọi việc: lên 2 xã Việt Thống và Nhân Hòa cách nhà 10 km lấy đất, nhào nặn, chuốt, đúc khuôn theo mẫu mã tự nghĩ ra rồi phơi, nung...
Vài mẻ đầu bị hỏng nhưng Thiều vẫn kiên trì theo nghề. Dần dà, anh làm chủ được kỹ thuật. Thiều lại đứng trước bài toán đầu ra cho sản phẩm. Anh về Hà Nội đến chào hàng tại các cửa hàng bán đồ mỹ nghệ, nhà hàng, khách sạn... Thiều tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở nhiều nơi. Những sản phẩm tưởng như rất ngô nghê, lạ lẫm của Thiều đã được đánh giá cao, đặc biệt là khách nước ngoài.
Đưa thương hiệu gốm Trí Việt ra nước ngoài
Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, Thiều đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... Với màu đất, kiểu dáng và thấp thoáng hình bóng quê nhà trên từng thân gốm, sản phẩm của Phù Lãng giúp người tiêu dùng có những phút giây trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng…
Năm 2004, anh được Bộ Công nghiệp và Bộ Khoa học Công nghệ tặng danh hiệu Bàn tay vàng, sản phẩm của anh được tặng Huy chương Vàng Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao hợp tiêu chuẩn. Sản phẩm gốm độc đáo của Thiều được những người yêu gốm trong và ngoài nước để ý. Đơn đặt hàng ngày một nhiều.
Đến nay, Gốm Thiều đã trở thành một thương hiệu khá uy tín tại thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng. Mỗi năm Thiều cũng xuất sang Đài Loan, Hàn Quốc hàng chục container gốm và bước đầu đã thâm nhập được vào thị trường châu Âu.
Nhiều khách hàng cho biết, gốm Thiều tuy dung dị nhưng cuốn hút bằng sự mộc mạc, giản dị, có chiều sâu tâm hồn. Màu sắc không quá phong phú nhưng gợi cảm giác ấm cúng của đất nung và của men da lươn độc đáo.
Thiều khẳng định: “Xét từng sản phẩm, gốm của mình có thể chất lượng không đều nhau, nhưng mỗi món đều mang dấu ấn cá nhân nên có sức hấp dẫn riêng”.
(Theo Tiền Phong)