Tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ, thầy giáo trẻ Đỗ Xuân Tựa quyết định lên dạy học ở trường THCS Lao Chải (Sapa, Lào Cai). Ngoài giờ dạy, anh dành thời gian vẽ, viết chữ lên những hòn đá xù xì để cho ra đời những tác phẩm đẹp. Các sản phẩm của anh được trưng bày tại thôn Bản Pho, xã Hầu Thào, Sapa, Lào Cai.
Từ năm 8 tuổi, Tựa đã theo ông nội đi viết câu đối vào ngày Tết. Nhìn những nét chữ uốn lượn, bay bổng trên mặt giấy, tình yêu thư pháp đã nhen nhóm trong anh. Lên dạy học ở Lào Cai, sống trong môi trường mới với đồi núi trùng điệp, ý tưởng gieo chữ vào đá đã được người thầy bắt tay thực hiện.
Ngoài thời gian lên lớp, anh Tựa cùng vợ đi dọc bờ suối gom nhặt sỏi, đá. Anh cũng thuê người dân mang những tảng đá to trên núi về. Căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng nhìn quanh chỉ thấy đá và đá. Nhiều người thắc mắc không biết anh mang đá về nhà làm gì, Tựa chỉ tủm tỉm cười.
Trải qua thời gian mày mò sáng tạo, anh Tựa cho ra đời những bức tranh đá ấn tượng, thu hút sự chú ý của người dân bản và cả du khách nước ngoài. Những vật tưởng chừng chỉ có thể bạc màu theo thời gian, trơ trọi giữa dòng nước chảy xiết giờ đã trở thành tác phẩm sinh động qua bàn tay của người thầy giáo.
Ban đầu, anh Tựa viết chữ thư pháp, vẽ tranh phong cảnh lên đá. Nhận thấy gần nhà có nhiều bãi đá đẹp, anh Tựa tiếp tục học thêm cả điêu khắc. Bộ sản phẩm 12 con giáp, tình mẫu tử, thần tài, phong cảnh thiên nhiên miền sơn cước đều được khắc họa rõ nét, tỉ mỉ.
Ban đầu, những viên đá mang về không theo ý muốn, anh Tựa dùng máy cắt đá để cắt gọt thành hình thù ưng ý. Sau đó, anh vẽ hình lên đá, khắc theo hình vẽ đó và tô màu lên các họa tiết. Mỗi sản phẩm đều được anh Tựa gửi gắm thông điệp riêng, về tình bạn, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, hay những kinh nghiệm sống.
Giá mỗi sản phẩm từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng. Những tác phẩm kỳ công hơn như bộ ba Phúc Lộc Thọ, hay bộ thần tài có giá lên tới vài triệu đồng. Khách du lịch ghé qua chỗ anh Tựa đều mua một, hai món quà làm lưu niệm.
Anh Nguyễn Trung Nghĩa, du khách từ Quảng Ninh, chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với không gian trưng bày đủ loại đá với hình thù và trang trí lạ mắt. Thầy Tựa đã tạo được hồn cho từng viên đá".
Niềm vui lớn nhất với người thầy là sau giờ học, các học sinh của anh lại đến xem sản phẩm do thầy giáo giàu tâm huyết sáng tạo ra.
Bài và ảnh: Hải Triều