Tại công trường, tôi đã được chứng kiến anh làm việc hầu như chỉ với một cánh tay, còn cánh tay kia đã bị tàn phế. Tai nạn khủng khiếp 10 năm trước tưởng chừng đã cướp đi cuộc sống của Sau. Nhưng không, từ bấy đến giờ, một bàn tay ấy đã làm nên sự nghiệp của anh, góp phần xây dựng những công trình, ngôi nhà đẹp.
Vừa một tay uốn sắt, Sau khiêm tốn bảo: “Mỗi người mỗi việc rứa đó”. Khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả đối với cả gia đình anh sau tai nạn đó. Giàn trên cao rơi xuống đập vào người làm cánh tay trái gần như nát bấy, vỡ vụn. Gia cảnh bần hàn nhưng anh cũng phải cắn răng vay mượn mấy chục triệu đồng đi viện phẫu thuật sắp lại xương và bó bột. Để rồi sau đó cánh tay bị teo cơ vĩnh viễn, trơ xương như một cái que gắn vào thân mình, mất hẳn khả năng lao động.
Người thợ xây còn mỗi cánh tay, phải làm sao để sống khi cả nhà đến 6 miệng ăn mà chỉ có mấy sào ruộng. Một năm trời thu hoạch tính thành tiền cũng chỉ khoảng chưa đến 6 triệu đồng thì thử hỏi làm sao đủ. May sao công ty xây dựng nơi Sau làm việc và bị nạn chiếu cố để anh được làm bảo vệ. Hoàn cảnh chẳng khác nào “chó cắn áo rách”, năm anh bị tai nạn cũng là năm vợ anh sinh con. “Vì vợ, vì con, phải cắn răng mà vượt qua thôi biết răng chú”, anh Lê Văn Sau kể lại. Nhưng sau đó công ty giải thể, Sau cũng mất việc làm, gia đình lại thêm phần khốn đốn.
Cái khó ló cái khôn, những anh em cùng xóm quyết chí lập nghiệp bằng nghề thợ xây. Họ không hề quên Sau, mặc dù biết anh đã bị tàn phế một tay nhưng không phải vì thế mà bỏ rơi anh, mà ngược lại, mời anh vào đoàn thợ nề, đi làm bình đẳng như mọi người. Không phụ lòng anh em thương yêu, tin tưởng, anh miệt mài với công việc và dần trở thành một trong những người thợ chủ chốt của đoàn, được anh chị em kính nể, tin tưởng giao phó những việc phù hợp. Nhờ đó, thu nhập của anh được ổn định, lo chu toàn cho cả nhà, nuôi dưỡng cha mẹ già đã ở tuổi xưa nay hiếm. Thậm chí, anh còn để dành được một ít làm vốn lo cho các con ăn học và phòng khi trái gió trở trời. Hỏi anh vì sao sau tai nạn khủng khiếp đó suýt mất mạng mà vẫn theo đuổi với nghề thợ nề, anh bảo "Tại biết làm nghề từ nhỏ rồi, đam mê lúc nào không hay, không từ bỏ được, mà bỏ cũng chẳng biết làm gì".
Cánh tay phải của anh thoăn thoắt phối hợp với chân đạp, chân đè uốn các gọng sắt, cánh tay trái gần như thừa thãi nhưng hiệu quả công việc chẳng thua gì người bình thường. Nghề thợ xây cực kỳ vất vả, từng 7 năm trời đi làm phụ hồ, anh thấu hiểu cái khắc nghiệt của nghề này. Nhiều khi dân thợ xây với câu ca nơi cửa miệng rằng: “Mưa lên đi cho đời cu li bớt khổ”. Mùa xây dựng hầu như gắn liền với mùa nắng, vì thế nên những người thợ xây cũng bị cái nắng, cái nóng làm cháy sạm, nhưng cũng nhờ thế mà họ trở nên chắc khỏe, rắn rỏi.
Nhìn anh, người ta không hề thấy bóng dáng của người khuyết tật. Phải chăng trong con người ta quan trọng nhất là tư tưởng hay nói nôm na là nếp nghĩ? Một nếp nghĩ biết hướng đến những điều tốt đẹp vào ngày mai, đặt niềm tin vào từng nỗ lực, bất chấp khó khăn thậm chí là cùng cực để vượt qua thì luật nhân quả ắt mang lại cho ta những điều tốt đẹp, bù đắp cho bao tháng ngày biết vượt khó, vượt khổ.
Lê Văn Sau đã làm được như thế, thậm chí nhiều hơn thế. Mặc dù lúc làm việc, nếu người thợ bình thường chỉ cần tay này đặt viên gạch vào, tay kia cầm bay bê xúc vữa thì anh chỉ có một tay để làm cả hai công đoạn đó, chật vật hơn, buộc Sau phải nhanh nhẹn hơn nhưng chất lượng công việc luôn được đảm bảo. Công đoạn nào cũng thành thạo chỉ với một tay. Thành quả mang lại cho anh thật tuyệt vời từ chủ thầu xây dựng đến các bạn đồng nghiệp đều ngưỡng mộ, khâm phục và luôn tin tưởng ở tay nghề của anh. Không những thế, họ còn tạo điều kiện để anh có thể làm những công việc phù hợp với “tình trạng” của mình. Anh cười bảo, mình còn may mắn hơn nhiều người khác.
Ngày ngày, anh vẫn miệt mài cùng những người thợ làm nên những ngôi nhà đẹp tô điểm cho bức tranh nông thôn thêm phần mới mẻ, sung túc. Các con của anh sau này lớn lên sẽ không ngừng tự hào về người cha của mình dù bị liệt một tay, nhưng vẫn kiên trì phấn đấu và đã trở thành một người thợ thực thụ, nói đúng hơn là một người thợ xây vĩ đại, ít nhất anh đã để lại dư âm trong lòng tôi như thế.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Phạm Anh Xuân