Xưởng tái chế phế liệu của anh Hồ Công Thắng nằm trong con ngõ nhỏ đường Hai Bà Trưng (phường Cẩm An, TP Hội An). Hàng ngày, trong khuôn viên rộng hơn 200 m2 chất đầy những đồ dùng cũ kỹ này, bằng đôi tay khéo léo của mình, anh Thắng miệt mài khoan, đục để tạo ra các sản phẩm trang trí như chai thủy tinh làm bình trồng cây cảnh, con cá gỗ... Mỗi tháng, công việc tái chế phế liệu giúp anh Thắng có thu nhập vài chục triệu đồng.
Trước đây, Thắng theo học trung cấp dược ở TP HCM. Năm 2013, học xong, anh không theo nghề dược mà đi làm công nhân sản xuất đồ điện tử cho một công ty Nhật Bản; rồi sang Nhật Bản lao động một thời gian.
Năm 2016, hợp đồng xuất khẩu lao động kết thúc, Thắng về Việt Nam và tìm đến bãi biển An Bàng (TP Hội An) để lập nghiệp với nghề tái chế phế liệu thành đồ trang trí. Nhìn thấy mỗi ngày du khách thải ra ở bãi biển nhiều loại chai, lọ bằng nhựa, thuỷ tinh vừa mất mỹ quan, lại vừa gây ô nhiễm môi trường, Thắng quyết định thu gom, đưa về khoan lỗ, cho đất, phân bón vào rồi trồng cây cảnh ở các chai, lọ này.
"Ban đầu tôi chỉ làm một vài cái treo trước nhà cho đẹp, ai ngờ bạn bè đến thích thú và đòi tôi để lại", anh kể. Sau đó anh bắt đầu sản xuất chai, lọ tái chế trồng cây với số lượng lớn, mỗi sản phẩm có giá 200.000 đồng.
Video: Xưởng tái chế phế liệu của anh Hồ Công Thắng
Về sau, Thắng còn tìm tòi chế tạo chai, lọ cũ thành những món đồ trang trí trong nhà như xe ôtô, hộp đựng đồ... thu hút nhiều khách Tây ở bãi biển An Bàng; mỗi sản phẩm anh bán giá khoảng 10 USD.
Cũng với chủ đề tái chế phế liệu, Thắng mở quán cà phê và gom lốp ôtô, xe máy cũ, thùng phuy để trang trí, tạo không gian khác lạ. "Đa số đồ đạc được sử dụng và trang trí trong quán là người ta vứt bỏ, tôi xin về và tự mày mò làm thành vật dụng hữu ích. Nếu chúng ta biết tận dụng, tái chế thì sẽ tạo ra một vòng đời luân chuyển mới phế liệu", anh nói.
Với quan niệm phế liệu, rác thải là "món quà xã hội dành tặng cho mình", Thắng thường dành thời gian đi dọc bãi biển thu gom các loại đồ dùng bị thải loại, gốc cây trôi dạt vào bờ... Với những gốc cây có thế đẹp, anh làm thành dàn đèn trang trí, có gốc cây thì khoét lỗ trồng cây cảnh.
"Trung bình mỗi gốc cây đưa về đục đẽo, chế thành sản phẩm mới bán với một triệu đồng, thỉnh thoảng có gốc gây thế đẹp thì giá hơn chục triệu đồng. Để chế được những sản phẩm thu hút du khách thì quan trọng là mình phải có ý tưởng sáng tạo", anh nói.
Mới đây, Thắng đã nhặt ngư lưới cụ, phao xốp, dây thừng trôi dạt vào bờ biển đem về làm thành một con rùa dài hơn 4 m, rộng 3 m. Con rùa này là một trong những sản phẩm trưng bày tại lễ kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; giành giải nhất về ý tưởng nghệ thuật tái chế.
Trên bãi biển An Bàng, Thắng làm một con cá bống Goby bằng khung sắt và lưới dể du khách vứt chai nhựa đã qua sử dụng vào đó, tránh việc sản phẩm nhựa bị vứt bừa bãi. "Tôi mong muốn góp sức vào việc kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương và các sinh vật biển", anh nói.