Anh Long bên các học trò. |
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật ở miền quê Nghệ An, nhưng từ nhỏ Long đã say những âm hưởng quyến rũ của cây đàn guitar cổ điển và quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật.
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, anh tiếp tục sang Đức nghiên cứu tại trường Đại học âm nhạc Hanns Eisler Berlin, rồi làm tiếp bằng cao học tại đây. Với sự dìu dắt của Giáo sư tiến sĩ Inge Wilczok, anh luôn thể hiện được tài năng bẩm sinh của mình và nhanh chóng trưởng thành. Ngay khi còn sinh viên, Long đã thử tài ở nhiều cuộc thi và năm 1987 anh là người Việt Nam đầu tiên đoạt Giải đặc biệt tại cuộc thi guitar quốc tế tổ chức ở Hungari.
Từ năm 1991 trở thành giáo viên giảng dạy bộ môn guitar ở hai trường nhạc Berlin-Marzahn và Bernau, Long vẫn tham gia biểu diễn tại nhiều nhạc hội và Conzert ở Đức, Nga, Italia, Tây Ban Nha, tiếng đàn của anh ở đâu cũng đều để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó quên.
Năm 2004, anh được Thị trưởng Berlin trao tặng bằng khen về thành tích sư phạm đối với học sinh Đức. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn trên con đường nghệ thuật khiến anh mạnh dạn quyết định mở trường nhạc "Berlin-Gesundbrunnen" cũng ngay trong năm đó. Năm 2006, Long là người Việt Nam duy nhất đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật âm nhạc kiêm Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin. Nhiều tờ báo và kênh truyền hình Đức đã đưa về các buổi trình diễn của anh, trong đó nổi bật là nhạc phẩm "Núi rừng Tây Nguyên" do anh sáng tác. Nhiều khán giả đã rung động khi nghe tác phẩm này, bởi họ có thể cảm nhận thấy những âm hưởng của tiếng chim hót, suối reo, tiếng cồng chiêng, tiếng lửa bập bùng phát ra từ sáu dây đàn guitar cổ điển do anh trình tấu.
Một số nhạc phẩm của Đặng Ngọc Long soạn riêng cho guitar được chọn làm tác phẩm bắt buộc đối với các thí sinh trong các cuộc thi guitar ở Berlin. Hơn 20 năm sống và làm việc ở Đức, anh đã từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực âm nhạc guitar.
Việc mở Trường nhạc Berlin-Gesundbrunnen là một bước đi nữa trên con đường nghệ thuật của anh. Hiện có gần 200 học sinh đang theo học ở các bộ môn thanh nhạc, guitar, piano, kèn, acordion, violon và keyboard. Các em không chỉ học ở thầy Long kiến thức âm nhạc, mà còn học cả những sắc thái văn hóa Việt Nam. Nhìn các học trò tóc hung, mắt xanh của thầy Long trình diễn thuần thục các tác phẩm "Bèo dạt mây trôi", "Cây trúc xinh", "Đi cấy dưới trăng", "Lý cây bông" mới thấy hết được tấm lòng tận tụy chỉ bảo của một người thầy Việt Nam dành cho các học trò Đức của mình.
Đặng Ngọc Long là người nghiêm túc và say mê trong lao động nghệ thuật. Anh vẫn tiếp tục giảng dạy ở hai trường nhạc Berlin-Marzahn và Bernau, công việc ở trường nhạc tư cũng cuốn hút anh suốt ngày, lịch làm việc kín hết trong tuần.
Một gia đình hạnh phúc và chị Thủy, người bạn đời chịu thương chịu khó, luôn là nguồn động viên lớn đối với mỗi thành đạt của anh trên bước đường nghệ thuật. Cháu Đặng Vũ Hoàng con trai của anh chị, mới 8 tuổi nhưng đã là một "cây guitar" và thường xuyên tham gia biểu diễn trong những dịp liên hoan văn nghệ ở trường và ở quận Wedding. Năm 2006, Hoàng đã đoạt giải nhất cuộc thi guitar lứa tuổi thiếu nhi ở Berlin. Nhạc sĩ - thầy giáo Đặng Ngọc Long đang gặt hái được những mùa trái ngọt sau bao năm trồng cấy.
Nguyễn Văn Xuân từ Berlin