
Hôm nay, tiểu ban nhân sự Đại hội VFF khóa VII sẽ giới thiệu danh sách hai ứng viên chủ chốt là Chủ tịch và Tổng thư ký với Ban chấp hành VFF. Trong hai bản danh sách này, cuộc bầu chọn tân Chủ tịch VFF là nóng hơn cả, khi Đại hội kỳ này được dự báo sẽ có cuộc chạy đua hấp dẫn, quyết liệt giữa các ứng cử viên nặng ký.
Danh sách ứng viên lên tới 40 người, được các tổ chức thành viên là Liên đoàn địa phương, các CLB, doanh nghiệp... giới thiệu. Theo quy định, bất cứ tổ chức thành viên nào cũng có quyền giới thiệu những người có đủ năng lực, tâm huyết. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang rất cần những người tài để lèo lái con thuyền đi lên, việc danh sách ứng cử viên đông kỷ lục như Đại hội lần này có thể coi là tín hiệu vui.
Tất nhiên, danh sách trên sau khi được thông qua Ban chấp hành VFF, sẽ phải rút gọn dần. Từ nay đến khi Đại hội diễn ra, quy trình sàng lọc ứng viên vẫn phải tiếp tục. Những gương mặt lọt vào "vòng chung kết", sẽ được Đại hội bầu trực tiếp, công khai, dưới sự giám sát chặt chẽ của FIFA.
Hôm qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ vẫn chưa đề cử ai lên thay mình, dù đây là công việc thường thấy ở mỗi kỳ Đại hội. Tuy vậy, ông Hỷ cũng nhấn mạnh tiêu chí của một tân Chủ tịch. Cụ thể, người đó phải uy tín, biết quản lý và khả năng quy tụ được trí tuệ, phục vụ cho bóng đá Việt Nam. Chủ tịch VFF khóa VII phải là người làm việc đích thực, chứ không phải nhân vật mang tính danh dự.
Với những tiêu chí này, ông Hỷ cho rằng bóng đá Việt Nam không thiếu người giỏi, thể hiện qua bản danh sách lên tới 40 người như trên. Tất nhiên, đã có nhiều trường hợp sớm từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Khánh Hải xin rút. Bầu Đức của HAGL khả năng cũng nói không vì công việc bận...
"Danh sách giới thiệu phải được Ban chấp hành VFF chấp thuận và nhận được sự nhất trí cao của 77 tổ chức thành viên. Người nào được tín nhiệm cao sẽ được giới thiệu vào chức danh cao nhất. Tất nhiên, trong số này sẽ có người được bỏ phiếu cao nhất và người đó sẽ là tân Chủ tịch VFF", ông Hỷ nói.
Sau khi được Ban chấp hành VFF thông qua, danh sách các ứng cử viên sẽ được trình lên cấp cao hơn là Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, chờ phê duyệt. Với khoảng 40 gương mặt, dĩ nhiên VFF sẽ có nhiều lựa chọn. Tuy vậy, dù có nhiều ứng cử viên, theo đánh giá của ông Hỷ, những người đáp ứng đủ điều kiện không nhiều. Nổi lên trong số này, chính là hai Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng (phụ trách tài chính) và Phạm Văn Tuấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT).
Ngay từ thời điểm ông Phạm Văn Tuấn được Tổng cục TDTT cử sang VFF ngồi ghế Phó chủ tịch, nhiều người đã cho rằng đây là một một bước đi trong kế hoạch tìm người mới thay thế ông Hỷ của cơ quan quản lý nhà nước. Dù sao, ông Tuấn cũng là dân bóng đá, có chuyên môn, lại có năng lực quản lý.
Trong khi đó, ông Dũng lại đang được chờ đợi ở khả năng phá cách bởi dám nói, dám làm. Việc cùng chung tay với bầu Đức mời CLB Arsenal về Việt Nam thi đấu đã cho thấy, ông Dũng đang muốn ghi điểm với Đại hội.
Ngoài ra, trong những ngày qua cũng xuất hiện thông tin Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) sẽ đứng ra ứng cử vị trí Chủ tịch VFF. Nhưng một ngày trước cuộc họp của Ban chấp hành VFF, ông Xuân lên tiếng phủ nhận những thông tin này.
So với ghế Chủ tịch thì cuộc đua đến vị trí quan trọng còn lại là Tổng thư ký VFF "dễ thở" hơn khi không có nhiều ứng cử viên. Thậm chí ngay từ thời điểm này, nhiều người đã dự đoán cựu tổng thư ký Trần Quốc Tuấn sẽ trở lại. Trước đó, ông Tuấn xin từ chức vì chịu sức ép lớn từ thất bại của U23 tại SEA Games 26. Có năng lực, sức trẻ, mối quan hệ rộng... là những ưu thế vượt trội của ông Tuấn, nên rất khó có ai xứng đáng hơn.
Mai Hương