Ông Norman vào Bệnh viện Chỉnh hình Quốc gia Hoàng gia (RNOH) ở London năm 1930 để điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn. Đây là tình trạng nhiễm trùng bên trong gây sưng tấy và đau khớp kinh niên. 18 năm sau, ông được phẫu thuật thay khớp hông - ca phẫu thuật thay đổi cuộc đời ông.
Mắc bệnh viêm khớp bẩm sinh, song từ khi 5 tuổi Norman đã quyết tâm sống cuộc sống bình thường nhất có thể. Biến chứng sau đợt trị liệu đầu tiên khiến ông không thể đi lại. Norman vẫn đến trường.
"Tôi cố gắng sống cuộc đời của mình. Tôi đến trường, làm tất cả mọi thứ một cậu bé có thể. Tôi trèo cây bằng tay, như một chú khỉ, cùng với bạn bè", ông nói.
Liệu trình điều trị của ông bị trì hoãn do chiến tranh thế giới thứ hai.
Năm 1948 là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Norman cũng như lịch sử ngành phẫu thuật chỉnh hình. Ông cùng Giáo sư Seddon sang Mỹ để tiến hành ca phẫu thuật khớp hông có sử dụng vitallium lần đầu tiên được thử nghiệm bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Ca phẫu thuật thay thế hông trái của ông diễn ra vào ngày 1/12/1948. Ba tuần sau, ông phẫu thuật tiếp hông phải.
"Rất nhiều người chỉ trích Giáo sư Seddon vào lúc đó. Tuy nhiên tôi vui mừng khi nghĩ rằng mình là một trong những người tiên phong. Nhiều người sẽ được hưởng lợi từ kinh nghiệm mà đội ngũ bác sĩ có được sau khi phẫu thuật cho tôi", ông nói.
Norman sử dụng xe lăn trong suốt một năm sau ca phẫu thuật, chờ hông hồi phục. Thời gian đó, ông thường biểu diễn ca nhạc tại các quán bar địa phương.
Khi đã phục hồi hoàn toàn, Norman trở thành kỹ sư thiết kế chế tạo máy và thành lập công ty riêng.
Năm 2019, tức 70 năm sau ca phẫu thuật, ông Norman lập kỷ lục là người từng thay khớp hông sống lâu nhất thế giới. Ông vẫn giữ lối sống tích cực và lành mạnh đến ngày nay.
Thục Linh (Theo Guinness World Records)