Tác phẩm được giới thiệu tại buổi giao lưu với tác giả, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ở Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hôm 19/4, trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành hồi tháng 2, hiện bán được 6.000 bản.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết dưới dạng hồi ức về người thầy tình báo của ông - Thiếu tướng Ðặng Trần Ðức, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tác giả không tập trung vào công lao, chiến tích hiển hách của ông Ba Quốc mà chủ yếu xoay quanh cuộc sống, con người và mối quan hệ của hai thầy trò. Với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Ba Quốc là "người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo, đến khi ông mất 20 năm sau đó".
Sách gồm bảy chương: Ông Ba Quốc, Campuchia - Những bài học đầu tiên, Ông Ba và đồng đội, Nghề tình báo - những điều được trao truyền, Tầm nhìn mới, chân trời mới, Trở lại Campuchia, Những câu chuyện đời, Khoảnh khắc và cuộc đời.
Thượng tướng mở đầu bằng sự kiện chia tay các nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn (bí danh Hai Trung), Vũ Ngọc Nhạ (Hai Nhạ), Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) về hưu. Sau đó, tác giả ngược dòng thời gian trở về buổi đầu làm việc với ông Ba Quốc tại Campuchia.
Sau năm 1975, ông Ba Quốc được giao nhiệm vụ chỉ huy các tình báo viên, điệp viên, điều khiển lưới điệp viên tại mặt trận Campuchia. Ông thành lập đội Z - đội tình báo hành động, chuyên phát hiện, khai thác và xóa sổ mạng lưới tình báo mà Khmer Đỏ cài cắm. Đội Z quy tụ những chiến sĩ thông minh, liều lĩnh nhất, nhưng ông Ba khiến họ phục tùng tuyệt đối vì tài trí và cách ứng xử nhân văn. "Họ rất ngang tàng, không sợ trời, không sợ đất, chỉ sợ mỗi ông Ba. Người chỉ huy trực tiếp duy nhất của đội cũng là ông Ba", tác giả viết.
Cuối thập niên 1980, khi tình hình Liên Xô và Đông Âu bất ổn, ông Ba Quốc đề nghị: "Không thể ngồi ở nhà mà đoán mò được, các cậu phải vươn ra ngoài nước. Đầu tiên phải sang Đông Âu, tới các nước đã 'vỡ' để xem nó 'vỡ' như thế nào?". Sau đó, lực lượng tình báo quốc phòng tìm đường sang nước ngoài để thu thập thông tin, nhận định tình hình, giúp Đảng, Nhà nước có chủ trương, chỉ đạo kịp thời.
Trong sách có đoạn: "Tôi nhớ câu nói của ông Ba Quốc: 'Tình báo không phải là nghề của tôi'. Ông có và đã làm được hai điều quan trọng nhất của cuộc đời đó là tình yêu và lý tưởng. Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một mà thôi. Tình yêu của ông Ba là tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước độc lập và hòa bình, dân tộc được ấm no hạnh phúc".
Sách cũng cung cấp nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về ông Ba Quốc, ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Tiêu biểu là Cục phó Cục 2 Nguyễn Như Văn trao quyết định giao nhiệm vụ Đoàn phó Đoàn 817 cho Thượng tá Đặng Trần Đức tại Phnom Penh, Campuchia, năm 1981; Hội nghị mừng công Đoàn 817 tại Phnom Pênh năm 1982; ông Ba Quốc tại căn cứ K4, TP HCM năm 1993.
Mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc được khắc họa rõ nét. Tác giả ban đầu được ông cho làm việc vặt ở phòng N, sau đó xuống đội X - đơn vị đảm đương nhiệm vụ trọng yếu. Sau nhiều thử thách, ông Ba Quốc nhận Nguyễn Chí Vịnh làm trợ lý. Ông thường kể về công việc, những gì đã trải qua, từ đó chia sẻ kinh nghiệm. Ông cũng giới thiệu học trò cho hai người thầy khác: Hai Trung - thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, và Sáu Trí - thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm.
Khi Nguyễn Chí Vịnh đã là Cục phó Cục 12, ông vẫn điều tới làm trợ lý cho ông Hai Trung để học nghề. Ông dặn: "Trong nghề tình báo có một lĩnh vực rất lợi hại, đó là thu thập tin tức thông qua môi trường truyền thông, báo chí, cậu phải học lấy một ít. Mà trong lĩnh vực này không ai hơn anh Hai Trung". Vài năm sau đó, Ba Quốc lại gửi học trò cho thủ trưởng cũ là ông Sáu Trí - Trưởng phòng tình báo Miền Nam j22.
Sách cũng nói về sự gắn kết của ông Ba Quốc với gia đình. Chương cuối Những câu chuyện đời kể về bà Thanh, bà Xuân - hai người vợ của ông Ba Quốc.
Bà Thanh là vợ đầu, người miền Bắc. Họ có với nhau hai con tên Giang, Thành. Do yêu cầu công việc, ông phải vào Nam, kết hôn với người khác, bà một mình nuôi dạy con cái mà không hề oán trách. Vợ hai của ông tên Xuân và bốn con Phong, Vũ, Hạnh, Quang. Bà Xuân đoán được công việc của chồng nên giữ im lặng, tập trung chăm sóc gia đình, hạn chế giao lưu với hàng xóm. Sau giải phóng, hai gia đình giữ quan hệ thân thiết. Bà Xuân gọi bà Thanh là mẹ cả.
Dịp Tết năm 1986, khi Nguyễn Chí Vịnh về phép, ông Ba Quốc nhờ cầm về gói mì chính nặng 2,5 lạng. Ông dặn con rể chia làm bốn phần, một phần cho gia đình, còn lại tặng những người thân thiết. Tác giả viết: "Trao nhận những món quà từ phương xa thì tôi đã thấy nhiều, nhưng tôi không thấy cái gì giống như gói mì chính chia làm bốn đó cả".
Thượng tướng cho biết ý tưởng về cuốn sách ra đời cách đây hơn 5 năm, trong những lần ghé thăm gia đình ông Ba Quốc dịp lễ Tết. Mọi người chia sẻ những câu chuyện ít ai biết về ông, từ cuộc sống đời thường đến công việc. Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Chí Vịnh đọc lại hồ sơ lưu, tài liệu, sách vở, thậm chí cả những bài thơ, nhật ký vợ chồng ông bà gửi cho nhau. "Nhiều đêm, ký ức của tôi lại ùa về, tôi phải dậy để chép lại vào sổ hoặc thu âm vào máy", ông nói.
Sau khi hoàn thành bản viết đầu tiên, ông tự nhận thấy khó phát hành sách vì vi phạm một số điều cấm kỵ của ngành tình báo, nhiều nội dung "cũ", từng được kể trong các tác phẩm khác. Tác giả phải chỉnh sửa hơn 10 lần mới hoàn thiện.
"Tôi viết bởi là người gần gũi chú Ba Quốc. Tôi tự đặt trách nhiệm cho mình phải viết. Nếu chú còn sống, tôi sẽ nói rằng cháu không viết về chú, cháu viết về thế hệ Hồ Chí Minh, mà chú là một trong những tấm gương. Và cháu không viết cho chú, cháu viết cho thế hệ trẻ", tác giả nói.
Hiểu Nhân