Nếu là một năm bình thường, Ella Chandler sẽ chơi cricket gần như mỗi ngày. Zak Oyrzynski sẽ làm đầu bếp ở London. Beth Blease, một huấn luyện viên cá nhân, sẽ giúp khách hàng tập luyện. Còn Sam Richards sẽ đi bán hàng.
Nhưng trong năm đại dịch này, họ lại có mặt trên các cánh đồng làm công việc có lẽ họ không thể tưởng tượng được vài tháng trước - hái dâu. Dù vậy, một số cũng tỏ ra hài lòng.
"Công việc rất vui nhưng cũng mệt", Chandler - vận động viên một đội cricket ở New Zealand cho biết. Gần đây, có ngày cô hái được gần 556 pound (250 kg) dâu tây trong 5,5 tiếng. "Tôi rất hài lòng", cô nói.
Chandler đọc được tin các nông trại tuyển người hái dâu do thiếu lao động. Vì thế, cô xin làm tại địa điểm gần nhà thuộc quận Surrey, phía tây nam London. Bên cạnh cơ hội kiếm tiền (dù không nhiều) những người đi hái dâu coi đây là một cách họ có thể gặp gỡ và trò chuyện khi đất nước đang phong tỏa.
"Ít nhất tôi cũng đang được làm gì đó", Zak Oyrzynski, một người làm cùng nông trại với Chandler nói. Anh nói rằng mình tự hào vì đã xin đi hái dâu và không "vô công rồi nghề".
Nghề hái dâu thu nhập rất thấp. Oyrzynski nói rằng anh được trả với mức lương tối thiểu của Anh, với 8,72 bảng (11 USD) mỗi giờ. Tuy nhiên, anh vẫn có thể kiếm được nhiều hơn trên số lượng quả. Tại công ty điều hành trang trại Hall Hunter, mức lương trung bình tuần năm ngoái là 414 bảng (gần 520 USD).
"Một vài người trẻ tuổi đã bỏ cuộc vì tiền lương không như họ mong đợi", Oyrzynski nói. Và dù công việc khá vui vẻ, các quy tắc cư xử cũng nghiêm ngặt. "Đây không phải là công việc lý tưởng", anh cho biết.
Thông thường, việc hái trái cây ở Anh được thực hiện bởi các công nhân thời vụ từ Đông Âu. Hàng năm, nước này cần khoảng 70.000 đến 90.000 công nhân thời vụ để thu hoạch tất cả trái cây, rau củ.
Tuy nhiên, vì việc đi lại bị hạn chế đi lại do đại dịch, nhiều lao động không thể sang Anh làm việc. Trong khi đó, nông sản thì đã được gieo trồng rồi. Do thiếu lao động, chính phủ nước này tổ chức chiến dịch "Pick for Britain" từ tháng 4/2020 để huy động nhân lực trong nước. Đích thân Thái tử Charles đã làm một video vận động người dân.
Blease - một huấn luyện viên cá nhân - thì hái dâu và đóng gói măng tây theo ca 9 tiếng mỗi ngày ở Claremont Farm, miền bắc nước Anh với mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, cô nói rằng công việc đồng áng là phần thưởng lớn hơn cả thu nhập. Cô lên kế hoạch khi đại dịch qua đi sẽ mua một trang trại, đón những người mắc chứng lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống đến để trị liệu.
Richards cũng làm việc tại Claremont Farm sau khi mất việc ở một công ty bia. Bà nói rằng hái dâu là công việc mệt nhất, với số tiền ít nhất bà từng kiếm được. "Nhưng nó lại là điều hạnh phúc nhất tôi từng làm, thật kỳ lạ", bà nói. Giờ Richards lại thích thú với các công việc ngoài trời như thế này.
Nông dân Anh rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người bản địa đến xin việc. Họ từng lo ngại người Anh sẽ tránh xa những công việc thường được thực hiện bởi những lao động nước ngoài. Và dù nhiều người ban đầu rất hào hứng nhưng đa số cũng sớm bỏ cuộc.
Theo HOPS Labour, một nhà tuyển dụng cho công việc trang trại, 80% người ban đầu bày tỏ sự hứng thú đã không gắn bó đến cùng. Một số nhận ra rằng lao động chân tay không dành cho họ, hoặc các hợp đồng hái quả có thời gian quá dài.
Cheryl Liddle, phát ngôn viên của HOPS cho biết, vì đại dịch không biết bao giờ sẽ kết thúc, nhiều người không thể cam kết làm việc dài hạn. Tom Martin, chủ một nông trại kể rằng có nơi đầu tuần nhận 10 người vào làm thì đến cuối tuần chỉ còn 3.
Ngoài ra, đối với nông dân, việc thuê người Anh mà không có bất kỳ kinh nghiệm hái quả nào cũng là thách thức về năng suất. "Một lao động mới sẽ tốn hơn 10% đến 30% chi phí đào tạo", ông Ali Capper - Chủ tịch Hội đồng trồng trọt và khoai tây của Hiệp hội nông dân quốc gia Anh và xứ Wales cho biết. Thông thường, người mới mất khoảng ba đến bốn tuần để bắt nhịp với công việc.
Một số người trong ngành thì coi mùa hè này là một dấu hiệu cảnh báo. Từ sau khi Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016, nhiều người đã bắt đầu tự hỏi liệu các công nhân thời vụ có tiếp tục đến Anh vào mỗi mùa xuân hay không. Các quy tắc đi lại từ Liên minh châu Âu tới Anh, có hiệu lực vào năm 2021, vẫn chưa được hoàn thiện.
"Đây là những gì sẽ xảy ra với Brexit nếu không có kế hoạch phù hợp", Deepak Ravindran, đồng sáng lập Oddbox - một công ty chuyên cung cấp các hộp sản phẩm tươi sống cho khoảng 50.000 khách hàng ở London cho biết.
Phiên An (theo NYT)