Nhưng điều khiến tôi chú ý đến Trần Lập không phải là những câu ca điệu nhạc, mà chính là anh, quan niệm sống của anh. Qua những cuộc cà phê, tôi có cảm giác về anh như một con người khá cô độc trong thời buổi mà những giá trị thực sự được anh tôn thờ không còn tồn tại hoặc đang dần mất đi. Anh hay nói đến sự chân thành, đến ý nghĩa của sự sẻ chia, những điều mà anh tin rằng đã bị những giá trị vật chất chen lấp, nhưng anh chưa thể đưa vào âm nhạc và viết ra một cách trần trụi về sự thật cuộc sống ấy, bởi anh nghĩ, âm nhạc dù sao cũng vẫn phải lãng mạn, đi vào lòng người.
"Chúng ta đã luôn nói đến sự chân thành, ca ngợi những điều tốt đẹp của cuộc sống", có lần anh nói, mắt lim dim nhìn ra phía ngoài cái quán gần cả nhà anh và nhà tôi, mà thỉnh thoảng, anh nhắn tôi ra đó từ sáng sớm. "Nhưng rốt cục đấy chỉ là sách vở, vì những điều đó đang mất đi, và mỗi người chúng ta phải làm gì đó để vực dậy những điều tốt. Nếu không, bọn trẻ sẽ mất hết niềm tin vào cuộc sống". Anh đã tâm niệm "phải làm một điều gì đó trước khi quá muộn".
Một hôm anh nói với tôi: "Phải có nhiều người tốt nữa lên tiếng để chỉ trích cái xấu. Cái xấu bây giờ nhiều quá, tồn tại dưới mọi dạng thức. Sự im lặng của số đông, nhất là của các nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, khác gì đồng lõa với cái xấu đâu". Chúng tôi cứ ngồi như thế với nhau bên cốc cà phê, nhiều khi cả một buổi sáng, loanh quanh những câu chuyện về cuộc sống và con người. Trần Lập không phải là người ăn nói hoa mỹ. Anh nghĩ thế nào nói thế, không quanh co, mộc mạc và bình dị, gần gũi mà không giả tạo. Tính cách ấy khiến anh trở nên khá đặc biệt trong một thế giới có nhiều sự bon chen, giả dối. Và sự bộc trực, thẳng thắn và chân thành của một người đàn ông đã khiến anh không thể thay đổi, không uốn mình, không phù hợp với những gì quá phù hoa. Thế nên, có lần anh bảo, anh không coi mình là một người nghệ sĩ của showbiz. Anh không thuộc về nó, và anh không muốn sống trong đó.
Nhưng Lập từng bước vào đó. Làm giám khảo The Voice cũng chính là thách thức lớn nhất mà anh phải đương đầu trong cái thế giới anh không muốn bước vào ấy. Những dòng tít lớn trên báo chí, những nhận xét về anh - tốt có, xấu có - trên Facebook sau mỗi số phát sóng, những thị phi ầm ĩ xung quanh một câu chuyện không có thật được dựng lên để hại anh khiến anh mệt mỏi. Chúng tôi chat với nhau khá nhiều đêm, khi anh quay ở trong Nam. Và chúng tôi lại ngồi với nhau ngay khi anh vừa ra Hà Nội. Anh bảo, anh không hợp với thế giới ấy, của trường quay, của những sự tung hô hay chỉ trích, của sức ép dư luận. Anh thích về nhà với vợ con, thích ngồi với bạn bè thân thiết trong những quán cà phê quen thuộc, lao đi trên những cung đường Tây Bắc dưới bầu trời lồng lộng, bởi như thế, anh cảm thấy "an toàn, thanh thản hơn, và mình là một ai đó được trân trọng".
Nỗi trăn trở của anh về âm nhạc đôi khi cũng là một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Có lần anh bảo, bọn trẻ bây giờ ít nghe rock quá, vì họ quá dễ dãi trong sở thích và số đông bị thị trường chi phối bởi những thứ âm nhạc hời hợt cả về nhạc lẫn ca từ. "Ước gì ta có thể cứu thế giới bằng âm nhạc, và ước gì ta có thể truyền cảm hứng sống nhiều hơn cho lớp trẻ", anh nói. "Giới trẻ bây giờ không nghe rock như thế hệ chúng ta cách đây 20 năm về trước. Họ không hiểu rock hay đến mức nào".
Nhưng chúng tôi thì hiểu rock nói chung và rock của anh hay đến mức nào.
Khi anh qua đời, người ta không chỉ khóc cho anh, mà còn cho một giá trị sống. Anh đã khiến nhiều người đột nhiên nhận ra rằng, chính họ lẽ ra cũng đã phải sống như thế. Trần Lập không chỉ sống cho riêng anh, mà còn cho biết bao người khác
Tôi sẽ không thể cà phê với anh được nữa. Chỉ có thể hẹn gặp lại anh sau nhiều năm nữa, ở cái thế giới bây giờ anh đã thuộc về. Tôi không thể nghĩ được lần cà phê với anh mấy tháng trước, khi tôi về nước, là lần gặp nhau cuối cùng. Hôm ấy, anh vẫn nói về cuộc sống, về những trăn trở cuộc đời, những điều dường như anh không thể xua đuổi được, và làm cho anh cảm thấy buồn. Anh bây giờ đang rong chơi ở một thế giới khác, xa lắm, yên tĩnh, đẹp đẽ, và có lẽ đã thanh thản hơn nhiều, bỏ lại phía sau những người mà anh đã yêu mến và luôn tâm niệm sẽ làm những điều tốt nhất cho họ.
Anh đã làm như thế, trong cả cuộc đời, nên cái chết của anh cũng sẽ mang một ý nghĩa tích cực nào đó, đem lại một năng lượng nào đó cho những người ở lại.
Và tôi mong, ngọn lửa anh thắp sẽ không còn đơn độc.
Trương Anh Ngọc