Sáng 19/11, Bình Tinh nấu các món chay ngày rằm cho mẹ và các cậu, dì - năm người thân của chị vừa qua đời trong đại dịch. Nhìn nụ cười hồn hậu của soạn giả Bạch Mai trong di ảnh, chị nói: "Nhanh quá, mới đó đã gần 100 ngày mẹ mất".
Sau khi giãn cách nới lỏng, Bình Tinh dần trở lại guồng quay công việc. Ban ngày, tâm trạng chị khuây khỏa phần nào khi được gặp gỡ đồng nghiệp, tập tuồng chuẩn bị cho ngày sân khấu mở lại. Chỉ khi đêm xuống, nằm một mình trong phòng, nỗi nhớ người thân ùa về. Từ khi mẹ mất, chị đặt một khung hình nhỏ của bà nơi đầu giường. Chị nói: "Đến nay, tôi vẫn chưa chấp nhận sự thật mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Điều an ủi duy nhất là những ngày cuối đời của mẹ trong bệnh viện, tôi được gọi điện thoại, nghe giọng nói của mẹ và tụng kinh cho bà mỗi tối".
Với nhiều gia đình có nghệ sĩ qua đời vì Covid-19, ký ức về người thân vẫn hiển hiện. Ngọc Thắng - vợ Đình Hùng, giọng ca gạo cội thập niên 1980 - cho biết khi nhận lại chiếc điện thoại di vật của chồng, chị khóc vì đọc những dòng tin nhắn gửi đi không thành. Vài ngày trước khi qua đời, anh nhắn tin cho vợ, nói thèm những món ăn quen thuộc của gia đình. Lúc nhận tin báo tử từ bệnh viện nơi anh điều trị, chị và các con bàng hoàng bởi sinh thời, anh tập thể dục đều đặn, chạy bộ, đi bơi mỗi tuần, không có bệnh lý nền. Khi anh mất, nhiều người lạ gọi đến chia buồn, nói từng được anh giúp quyên tiền trị bệnh. "Đến lúc đó, tôi mới biết chồng mình từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện một cách thầm lặng", chị nói.
Trong ký ức của Bình Tinh, mẹ là người thầy đầu tiên dìu dắt chị vào nghề. Sau khi đoạt quán quân Sao nối ngôi 2016, bắt đầu đi hát, chị nếm trải nhiều buồn vui trong nghề. Mỗi lần va vấp, chị gọi cho mẹ, nghe lời khuyên của bà để tìm lại sự cân bằng. Sau này, khi tập viết kịch bản, chị thường nhờ mẹ tư vấn vì bà là một trong những soạn giả kỳ cựu của cải lương Hồ Quảng. Bình Tinh nói: "Khi tôi viết lên tay dần, những lần mẹ đọc và chỉnh sửa, tôi thấy bà mỉm cười, đôi mắt ánh lên niềm tự hào".
Gần hai tháng sau khi chồng - ca sĩ Y Jang Tuyn qua đời, chị Tạ Thị Hằng trưng bày từng kỷ vật nhỏ trong phòng thu tại nhà. Với chị, mỗi món đồ, nhạc cụ đều gợi nhớ về những tháng ngày họ đồng cam cộng khổ suốt 20 năm. Họ yêu nhau khi cùng là sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh thi vào Nhạc viện TP HCM, chị vẫn là sinh viên năm ba. Có lần, vì anh không đủ tiền ra Hà Nội, chị tích góp để đi tàu vào Nam thăm bạn trai. Sau khi kết hôn và lập nghiệp ở TP HCM, cả hai chưa ổn định công việc, tài sản lớn nhất là một chiếc xe máy. Đôi vợ chồng từng chuyển đến bốn, năm nhà trọ, sau nhiều năm vun vén mới xây được căn nhà cấp bốn ở quận 12.
Khi chồng đột ngột mất, chị Hằng gượng dậy nhờ sự động viên của các con. Mỗi lần thấy mẹ lặng lẽ khóc, các con đến ôm chị, an ủi: "Mẹ đừng buồn, bố vẫn ở đây, vẫn bên ba mẹ con mình". Vợ chồng chị có một con trai, một con gái, đều biết đánh đàn, ca hát nhưng không đam mê như bố. "Tôi mong các con khi trưởng thành hơn tìm thấy niềm vui trong âm nhạc, tiếp nối sự nghiệp dang dở của bố", chị Hằng nói. Tối 19/11, chị và các con tham gia lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì Covid-19 do quận 12 tổ chức.
Người thân các nghệ sĩ cho biết sẽ thay người quá cố hoàn thành di nguyện. Sau khi ca sĩ Phi Hải mất hồi cuối tháng 7, vợ anh - ca sĩ Hương Giang - trở lại phòng thu để hoàn tất album dang dở của chồng. Anh vốn là ca sĩ phòng trà theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Vì cơm áo gạo tiền, sau khi kết hôn anh miệt mài đi diễn kiếm tiền phụ vợ nuôi hai con. Anh qua đời khi CD đầu tay vẫn chưa kịp ra mắt. Hương Giang cho biết cuối năm sẽ giới thiệu hai album, tuyển tập các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... như một cách tưởng nhớ chồng, thay anh tiếp tục đam mê ca hát.
Ba ngày qua, Bình Tinh dàn dựng bốn kịch bản cuối cùng do soạn giả Bạch Mai để lại. Nghệ sĩ xem đây là nén hương lòng dâng lên mẹ vì trước lúc qua đời, bà còn ấp ủ nhiều tâm huyết với đoàn tuồng cổ Huỳnh Long - gánh hát 50 năm của gia tộc. Chờ khi sân khấu được phép mở cửa, Bình Tinh sẽ công diễn lại những vở tuồng vang bóng một thời do Bạch Mai sáng tác, như Giang sơn mỹ nhân, Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Ngũ biến báo phu cừu... Chị nói: "Tôi tin dù mẹ đã mất, bà vẫn mãi hiện diện trong tâm tưởng khán giả yêu tuồng cổ".
Với ca sĩ Ngọc Minh - con gái Đình Hùng, việc tiếp tục lèo lái ban nhạc gia đình là cách cô sống thay ước mơ của cha. Sinh thời, ông là linh hồn của Flamenco Gipsy Fire - nhóm nhạc trình diễn theo phong cách âm nhạc Tây Ban Nha ở TP HCM. Từ thuở bé, được cha dạy những nốt nhạc đầu tiên, tình yêu nhạc châu Mỹ Latin dần thấm trong người Ngọc Minh. Ca sĩ nói: "Tôi chỉ muốn nhắn nhủ ba rằng: Cảm ơn ba đã dạy con từ cách sống, cách hát. Con sẽ nhớ đến tình thương của ba để làm động lực bước tiếp quãng đường còn lại".
Nhật Thu