Sau 40 ngày sống sót trong rừng rậm Amazon, bốn em nhỏ tuổi 13, 9, 5 và một, được phát hiện hôm 9/6 và nhập viện điều trị, dự kiến từ hai tới ba tuần. Trong thời gian này, cơ quan bảo vệ trẻ em Colombia đang phỏng vấn người nhà của các em để ra quyết định ai sẽ là người bảo hộ sau khi Magdalena Mucutui Valencia, mẹ của 4 đứa trẻ, qua đời trong tai nạn máy bay hôm 1/5.
Manuel Ranoque, chồng của Magdalen, là cha ruột của hai bé nhỏ nhất trong 4 chị em và cha dượng của hai bé còn lại.
Astrid Cáceres, người đứng đầu Viện Phúc lợi Gia đình Colombia, cho hay một nhân viên phụ trách hồ sơ đang làm việc với các em theo yêu cầu của ông bà ngoại, những người đang giành quyền nuôi nấng với Ranoque.
Ngày 11/6, ông ngoại Narcisco Mucutui cáo buộc con rể Manuel Ranoque từng đánh con gái ông, đồng thời nói thêm các cháu thường trốn vào rừng mỗi khi bố đánh mẹ.
"Chúng tôi sẽ trò chuyện, điều tra, tìm hiểu tình hình", Cáceres giải thích, nói thêm cơ quan không loại trừ khả năng các em và mẹ bị bạo hành gia đình. "Điều quan trọng nhất bây giờ là sức khỏe của các em, không chỉ là thể chất mà còn là tình cảm. Cần chú ý đến cách chúng ta đồng hành cảm xúc với các em".
Ranoque thừa nhận từng mâu thuẫn với vợ, nhưng cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình chứ không cần "vạch áo cho người xem lưng". Khi được hỏi có đánh vợ không, anh này trả lời: "Đôi khi tôi có mắng mỏ nhưng ít khi ra tay đánh vợ. Chúng tôi thường cãi nhau nhiều hơn".
Ranoque cho hay không được phép gặp hai con riêng của vợ trong bệnh viện. Cáceres từ chối giải thích.
4 đứa trẻ cùng mẹ lên máy bay khởi hành từ làng Araracuara ở vùng rừng rậm Amazon tới thành phố San Jose del Guaviare ngày 1/5 thì phi cơ rơi. Trong hơn một tháng, các em sống sót nhờ ăn bột sắn, quả dại trong rừng. Tại bệnh viện ở Bogota, các em cũng đang được hỗ trợ tâm lý.
Robert Sege, bác sĩ nhi kiêm giám đốc Trung tâm Gắn kết Cộng đồng có trụ sở tại Mỹ, cho hay yếu tố quan trọng để các em hồi phục là có nơi an toàn để thoải mái trò chuyện về những gì đã trải qua hay bất kỳ cảm xúc nào, dù là đau buồn hay tự hào vì đã sống sót. Cách trẻ em vượt qua sang chấn tâm lý tùy thuộc vào độ đuổi.
"Bộ não con người luôn cố gắng diễn giải mọi điều", Sege nói. "Ở các giai đoạn phát triển khác nhau, con người diễn giải mọi thứ theo cách khác nhau".
Người thân và giới chức ca ngợi Lesly, chị cả, đã dìu dắt các em vượt qua 40 ngày trong rừng rậm đầy rắn rết, ếch độc, muỗi và nhiều loài thú dữ. Em út tròn một tuổi trong khi mất tích.
"Thật đau lòng khi trẻ em khỏi rơi vào hoàn cảnh đó, nhưng rõ ràng, Lesly đã sử dụng trí thông minh của mình để làm điều phải làm", Sege nói. "Cần phải duy trì điều này, bởi nó thực sự rất quan trọng. Trong quá trình trưởng thành, ngoài bi kịch, các cháu cần nhớ rõ mình đã làm gì để giúp em út sống sót".
Hồng Hạnh (Theo AP)