Người biểu tình chống chính phủ Thái nằm la liệt ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Ảnh: AP. |
Một cuộc trưng cầu do trung tâm nghiên cứu Abac công bố hôm qua cho thấy 76,5% số người được hỏi nói rằng họ xấu hổ vì cuộc khủng hoảng chính trị và cái nhìn tiêu cực của người nước ngoài đối với Thái Lan.
Khoảng hai phần ba những người tham gia cuộc khảo sát nói rằng niềm tự hào dân tộc của họ sẽ giảm đi nếu các cuộc biểu tình tăng lên và biến thành bạo lực. Tuy nhiên, tới 93% lạc quan tin tưởng rằng các vấn đề chính trị đang làm nước này chia rẽ và mệt mỏi sẽ được giải quyết thông qua hệ thống pháp lý.
Rất nhiều người Thái không mặn mà với chuyện chính trị khi hơn 58% số người được hỏi nói rằng họ sẽ không theo bất kỳ phe nào, dù là ủng hộ hay phản đối chính phủ.
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe PAD đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và tràn vào chiếm đóng trụ sở làm việc của nội các khiến thủ tướng Samak Sundaravej phải từ chức.
Sau khi ông Somchai Wongsawat lên thay thế, làn sóng biểu tình chống chính phủ vẫn không hạ nhiệt. Phe biểu tình PAD vẫn không chịu rút khỏi khu trụ sở của chính phủ Thái Lan và tiếp tục hạ trại tại đây. Họ cáo buộc ông Somchai tham nhũng và là con rối của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11 vừa qua, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tượng tự. Tình trạng này khiến nội các của ông Somchai phải rời Bangkok về Chiang Mai hoạt động.
Ngọc Sơn (theo Xinhua, AP)