Luôn tay cho than vào lò, rồi nung sắt, rèn sắt, làm nguội... nhưng anh Nguyễn Phương Hùng vẫn cười tươi, trò chuyện rôm rả cùng khách. “Giờ trông tôi bẩn thỉu thế này thôi, thay đồ đi cũng phong độ lắm đấy”, anh Hùng cười hề hề, đôi tay vẫn không rời cây búa, mắt không rời đe, bễ.
Cả cơ ngơi của anh chỉ là một góc nhỏ chừng 2 m2, nhưng trong đó mọi công cụ phục vụ cho nghề đều đầy đủ và được sắp xếp gọn gàng. Những thanh sắt dài dựng đứng, chiếc máy tiện để ở góc nhà, bên dưới là la liệt những sản phẩm khách hàng nhờ làm mà chưa kịp đến lấy.
Riêng ông chủ kiêm thợ của cửa hàng thì miệt mài bên chiếc lò đỏ lửa suốt từ sáng đến tối. Nhà hẹp nên anh kê ghế ngồi bên chiếc lò ngay bậu cửa, trước mặt xếp ba thùng chất lỏng để làm nguội sản phẩm. Tất cả đều trong tầm tay để anh tiện hoàn tất các khâu.
![]() |
Cả con phố Lò Rèn, duy nhất nhà số 26 còn đỏ lửa. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Biết đến nghề rèn từ năm 12 tuổi, lúc bấy giờ anh Hùng chỉ làm phụ cho cha, khi thì xúc than, thổi bễ, khi lại trả hàng cho khách. Sau đó, anh học trung cấp cơ khí, trải qua nhiều nghề khác nhau. Có lúc anh là thợ hàn, rồi làm lái xe, nhưng cuối cùng vẫn về với nghiệp của cha.
Anh Hùng bảo nghề rèn đã chọn anh chứ ban đầu anh không chọn nó. Gia đình có 4 anh em trai nhưng chỉ mỗi anh là tiếp quản được nghề rèn của ông cha để lại. Các anh của anh Hùng ngay cả đến cây búa cầm cũng không nổi, đập thanh sắt cũng không xong chứ đừng nói làm thợ rèn.
“Bôn ba khắp nơi, đến khi cha già, gọi về nối nghiệp vào năm 1993 thì tôi mới chính thức ngồi vào ghế thợ cả, nối nghiệp thợ rèn của gia đình đời thứ ba”, anh Hùng nhớ lại. Anh bảo nối nghiệp tổ khi cả phố Lò Rèn chỉ còn vài bễ lò và đến nay thì chỉ còn mình anh. Con phố luôn rực lửa bễ lò của những năm 1950 giờ nhường chỗ cho cửa hàng khung nhôm sắt thép, điện máy, thời trang...
Bạn bè bất ngờ khi thấy anh bỏ việc để về “nai lưng nện búa”. Ban đầu cũng ngại ngùng khi “bị” hỏi thăm nhưng rồi niềm đam mê công việc đã khiến anh bỏ qua tất cả, dốc hết sức cho nghề. Hai đứa con anh có lúc cũng bảo bố bỏ nghề vì “con ngại bạn bè biết bố là thợ rèn”. Nhưng rồi anh đã thủ thỉ với các con về niềm vui trong công việc bễ lò.
"Tôi bảo con gái nếu có bạn trai cứ đưa nó ra lò rèn, bố sẽ kiểm tra hộ con xem nó có phải là người biết quý trọng sức lao động hay không. Mình làm ăn chân chính, phải tự hào vì mình hơn rất nhiều người con ạ", người đàn ông ngoài 50 tuổi chia sẻ.
![]() |
Chẳng cần dùng khẩu trang hay găng tay, anh Hùng cho biết đã miễn dịch được với mấy chất độc có trong than hay dầu rồi. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Lò rèn của anh khách đông nghịt. Anh không làm hàng chợ, chỉ làm đồ đặt. Khách nhờ làm gì thì anh làm nấy, nhưng nhiều nhất là đục, mũi khoan tường, móc đá… "Có hôm mưa gió, nghỉ lễ không đi làm được, nhớ đe, nhớ bễ đến nỗi chỉ mong cho ngày ấy qua thật nhanh", anh tâm sự.
Khách cứ vào nườm nượp đặt hàng, ông chủ lò rèn cũng luôn tay đai búa. Đôi lúc anh dừng lại uống ngụm nước chè cho đỡ khát, rồi lại bắt tay vào làm luôn. Dù bụi than, vảy thép bắn ra tung tóe nhưng người thợ rèn ấy vẫn không cần khẩu trang hay găng tay bảo hộ.
Khi được hỏi về việc ảnh hưởng đến sức khỏe, anh cười: “Bố tôi cả đời làm thợ rèn, không dùng thứ gì bảo vệ mà 88 tuổi rồi vẫn còn khỏe mạnh đấy. Làm lâu rồi quen, những chất này tôi đề kháng được rồi, nó mà vào là bị đánh chết ngay”.
Dùng một chiếc áo cũ làm tạp dề che phía trước, quần áo của “Hùng thợ rèn” vẫn lỗ chỗ vết cháy do hoa lửa bắn vào. Tay anh cũng lấm tấm những vết bỏng, nhưng anh chẳng quan tâm đến điều đó. Việc anh băn khoăn nhất lúc này là hết đời anh nghề thợ rèn có thể chấm dứt ở cái phố mà một thời các lò rèn ngự trị.
“Hai đứa con tôi đang học đại học, chúng sẽ theo con đường học vấn chứ chẳng chịu về tiếp quản nghề của cha. Tôi còn sức còn làm, được ngày nào hay ngày ấy”, anh Hùng nói.
Hoàng Thùy