Theo Ifeng hôm 22/12, nghệ sĩ mất vì bệnh tật, tang lễ sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trên Weibo, nhà quay phim của Tây du ký - Vương Sùng Thu - cho biết ông thăm hỏi Vương Hy Chung hồi cuối tháng 11, ôn lại kỷ niệm thời làm phim. Còn Lục Tiểu Linh Đồng, người đóng Tôn Ngộ Không, đăng ảnh Vương Hy Chung bên mô hình Tôn Ngộ Không và viết: "Mong thầy yên nghỉ".
Vương Hy Chung thuộc thế hệ chuyên gia hóa trang đầu tiên của Trung Quốc, là bậc thầy lĩnh vực tạo hình nhân vật. Thành công lớn nhất của ông là xây dựng hình tượng bốn thầy trò Đường Tăng và các yêu quái trong Tây du ký. Ông còn làm việc ở hàng trăm bộ phim, như Tây An sự biến, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình...
Nghệ sĩ tỉ mỉ, dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu nghệ thuật hóa trang, đạt được thành tựu cả ở phim thần thoại, cổ tích lẫn phim lịch sử, khoa học viễn tưởng. Khi tạo hình nhân vật cho Tây du ký, ông mạnh dạn đề nghị êkíp dùng mủ cao su làm gương mặt giả, sáng tạo nhiều phương pháp hóa trang. Nghệ sĩ kết hợp mặt giả - mặt thật để tạo hình tượng Tôn Ngộ Không hoạt bát dễ thương, hội tụ đặc điểm của con người, thần tiên và khỉ.
Vương Hy Chung cũng nghĩ ra tạo hình cho bụng phệ của Trư Bát Giới, đầu rồng cho Long Vương cùng loạt hình tượng Đường Tăng, Ngọc hoàng, Phật Tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát, Bạch Cốt Tinh... Giới chuyên môn nhận xét ông nắm bắt được tinh túy của danh tác cổ điển, vận dụng trí tưởng tượng và sự khéo léo để nhào nặn nhân vật. Khi trả lời khán giả năm 2021, Vương Sùng Thu tiết lộ tạo hình nhân vật trong Tây du ký dần dần được Vương Hy Chung cải tiến trong quá trình quay tổng cộng sáu năm, ngay cả tạo hình Ngộ Không, Bát giới.
Theo tờ Chengdu, nghệ sĩ tạo được dấu ấn riêng biệt cho mỗi nhân vật, khiến các hình tượng tươi mới, sống động. Tuy vậy, công việc này cũng vắt kiệt sức lực của ông. Nghệ sĩ từng nói: "Nỗi khổ chỉ mình tôi biết, nhưng các tạo hình đều được khán giả đón nhận, đó là sự đền đáp quý giá nhất cho sức lao động của tôi".
Tây du ký khởi quay năm 1982 và chiếu lần đầu năm 1986, do Dương Khiết (1929-2017) đạo diễn, Vương Sùng Thu quay phim cùng dàn diễn viên chính Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa... Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi nơi hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây...
Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc. Trên Xinhua, đạo diễn Dương Khiết từng nói tác phẩm thành công bởi "êkíp quay phim vì nghệ thuật, không làm vì tiền, vì danh hay lợi".
Như Anh