Tiệm sửa xích lô của ông Nguyễn Văn Hạ, tên thường gọi là Trung, 62 tuổi, không có bảng hiệu, nằm sâu trong con ngõ trên đường Ông Ích Khiêm, cạnh chợ đêm Lê Duẩn, quận Hải Châu. Nhưng những người làm nghề đạp xích lô gần nửa thế kỷ ở Đà Nẵng ai cũng biết, không chỉ bởi tay nghề ông Hạ mà vì "cả Đà Nẵng giờ chỉ mình ông ấy sửa xích lô".
Trưa cuối tháng 4, ông Hạ không nề hà trời nắng gắt, lục tủ lấy đồ nghề sửa phanh (thắng) cho một người đạp xích lô cũ. Chỉ mất vài chục giây mở trục sau, ông thoăn thoắt tháo rời ổ phanh rồi bắt bệnh: "Mòn hết hai bố thắng rồi, thay để đi cho an toàn chứ giờ đường nhiều ôtô, lỡ không phanh kịp thì đền nhiều tiền lắm".
Sau khi chủ xe đồng ý, ông Hạ dùng tuốc nơ vít cậy sạch hai lớp cao su đã mòn trên bố phanh để tận dụng phần kim loại, sau đó lấy vài chiếc bố phanh đã dán sẵn cao su để thay. Công việc tưởng đơn giản, nhưng phải mất thêm nhiều phút để tìm hai cái bố phanh hình vòng cung tương đồng khi ghép vào nhau, kiểm tra hệ thống lò xo đảm bảo co giãn, tra thêm dầu mỡ mới lắp lại cho khách.
Bảng giá sửa xe không thay đổi sau nhiều năm. Thay hai bố thắng, ông lấy 20.000 đồng tiền công; vá ruột là 15.000 đồng; đập nhíp 50.000 đồng. "Xích lô giờ chủ yếu là những người lao động phổ thông đi chở hàng luồn lách vào ngõ, hẻm; số ít chở khách du lịch thì hơn hai năm qua thất nghiệp. Mình sửa vì giữ nghề và kiếm tiền uống cà phê cho vui thôi", ông nói.
Theo ông Hạ, nghề sửa xích lô nếu nhìn qua sẽ nghĩ đơn giản, ai cũng làm được. Nhưng như vá xăm, nếu mở lốp không đúng cách sẽ làm gãy phần tanh - vốn là hợp kim được chế tạo lại từ vỏ ôtô cũ nên rất giòn, người sửa xe phải đền cả chiếc lốp mới cho khách. Hay như kỹ thuật may lốp, phải dùng lốp xe đạp bọc ra ngoài chỗ thủng, sau đó may cả hai mặt trong và ngoài bằng dây cước mà không để phần dây cước chà xuống đường, nếu không sẽ bị bung. Còn lật sên thì phải kiên nhẫn đục từng mắt, lật phần sên hỏng ra ngoài...
Khó nhất là kỹ thuật đập nhíp. Những chiếc xích lô chở khách lâu ngày hoặc thồ hàng nặng sẽ khiến phần nhíp bị mòn, biến dạng. Ông Hạ phải dùng dầu chuyên dụng để mở phần bu lông đa số đã rỉ và bám chặt, sau đó đặt nhíp lên đe rồi đập trong nhiều giờ. Bộ phận nhíp ngoài độ cong theo thiết kế của xích lô, còn phải được căn chỉnh làm sao cho chiếc xe ba bánh giữ được thăng bằng, không mòn lốp khi đạp và dễ dàng vận hành.
Sau nhiều năm làm nghề, ông Hạ tự chế bộ đồ nghề chuyên mở lốp, nhỏ bằng một phần ba so với đồ mở lốp xe máy. Phụ tùng thì sau bao năm vẫn phải đặt từ các lò cơ khí trong TP HCM gửi ra, một phần được ông Hạ chế lại hoặc sử dụng kỹ thuật may lốp, nối xăm, lật sên... để tiết kiệm cho người sửa.
Ông Hạ học nghề từ cha mình là cụ Nguyễn Út, từ khi 15 tuổi. Cụ Út làm nghề sửa xích lô từ năm 1945. Đến năm 1975, thấy nhiều người đi đạp xích lô và nhu cầu chở khách, chở hàng tăng cao, cụ Út dạy nghề cùng lúc cho 4 con trai và sau đó thuê mặt bằng "độc quyền" sửa xe cho Hợp tác xã vận tải xích lô trên đường Hải Phòng, gần trường THPT Phan Châu Trinh.
Những năm bao cấp là thời vàng son của nghề đạp và sửa xích lô. Trong trí nhớ của ông Hạ, trước năm 1990, hợp tác xã có 808 chiếc chuyên chở khách, chưa kể xích lô chở hàng. Xích lô chở khách được gọi là xe đỏ, được bán với giá từ 1,3 đến 1,5 cây vàng/chiếc. Người muốn chở khách phải đi khám sức khỏe, lý lịch không có tiền án, tiền sự và không nghiện ngập, nếu phát hiện sẽ bị thu xe. Xích lô chở khách tuyệt đối không được chở hàng. Còn xích lô chở hàng gọi là xe đen, mua giá thấp hơn và có thể chở khách khi thiếu xe đỏ.
Do ưu điểm được đón và trả khách ở nhiều điểm, khác với xe lam chở khách theo tuyến cố định, nên xích lô trở thành phương tiện được nhiều người dân thành thị lựa chọn. Phương tiện này vì thế cũng hay bị hư hỏng như méo vành, nhông xích, nhíp, thủng lốp... Ngoài ra, mỗi năm chủ phải đưa xích lô đi khám một lần nên thợ sửa xích lô như gia đình ông Hạ làm không hết việc. Xe xếp hàng chờ sửa là chuyện thường.
Ông Hạ nhớ, một người đạp xích lô thời điểm đó thu nhập khoảng 20.000 đồng/ngày, đủ nuôi cả gia đình 9-10 người. Còn người sửa xích lô thì thu nhập cao hơn, khoảng 30.000 đồng/ngày. Đa số gia đình học được nghề sửa xích lô sẽ không dạy nghề cho người ngoài.
Nhờ nghề sửa xích lô, gia đình ông Hạ có của ăn của để, mua được nhà cửa. Ông không nhớ rõ giá vàng khi đó, nhưng "cứ một tháng tích được chỉ vàng". "Cũng nhờ nghề này nên thời tem phiếu nhà tôi không phải ăn cơm độn bo bo, bữa ăn thường có thêm thịt, cá, sống thoải mái hơn công nhân", ông kể.
Nhưng sau năm 1990, công an cấp cà vẹt và bán xích lô. Số xích lô chở khách tăng thêm 2.000 chiếc. Xích lô dày đặc trên đường phố, nhiều người tranh giành mối của nhau, trong khi khách thì dần chuyển sang đi xe máy, ôtô. Nghề đạp và sửa xích lô cũng dần mất khách.
Năm 2004, Hợp tác xã vận tải xích lô thành phố Đà Nẵng giải thể. Ba anh em trai chuyển sang làm nghề khác, mình ông Hạ về nhà bám nghề, "ai đến gõ cửa thì sửa". Giờ cả thành phố còn 40-50 xích lô được quản lý và chở khách du lịch; còn xích lô đen vạ vật ở vỉa hè, nhiều chiếc rỉ sét và chủ bán phế liệu vì vắng khách. Ông Hạ tâm sự không truyền nghề lại cho con, vì "nghề giờ làm không còn đủ ăn".
Ông Hoàng Lệ, 55 tuổi, trú quận Thanh Khê, nói nghề sửa xích lô rất cực khổ, nhất là mỗi lần đập nhíp tốn sức, trong khi tiền công rẻ nên dần không còn người theo nghề. Những năm trước, ở Đà Nẵng còn có gia đình ông Sửu ở đường Đống Đa làm nghề này, nhưng vì tuổi cao nên cũng đã bỏ. "Ông Hạ là người cuối cùng làm nghề xích lô. Nếu ông ấy không làm nữa, những người đạp xích lô, nhất là dịch vụ chở khách, sẽ không còn nơi sửa nữa", ông nói.
Xích lô (tên tiếng Pháp là cyclo), được cho là do người Pháp phát minh vào năm 1939; là biến thể của xe kéo đã có từ thế kỷ 19, kết hợp với xe đạp đầu thế kỷ 20. Người đạp xích lô thông thường sẽ ngồi sau phần ghế chở khách, dùng sức để vận hành. Có giai đoạn, xích lô được gắn thêm động cơ (gọi là xích lô máy), chủ yếu phục vụ cho việc chở hàng hóa. Ngày này, xích lô chủ yếu còn tồn tại với số lượng ít ỏi tại các thành phố lớn, dùng vào việc chở khách du lịch.