Trong 5 thập kỷ làm nhà nghiên cứu y học, Anthony Fauci, 79 tuổi, đã chứng kiến cảnh hình nộm của mình bị đốt, nghe thấy tiếng hò hét của những người biểu tình gọi ông là "kẻ giết người" và ném bom khói bên ngoài văn phòng.
Nhưng ông cũng được ca ngợi là bác sĩ nổi tiếng nhất nước, đã giúp Mỹ có những bước tiến khi đối mặt khủng hoảng y tế. Là người đứng đầu ban miễn dịch học tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) trong đại dịch HIV/AIDS những năm 1980, Fauci không xa lạ với những cuộc chiến dịch bệnh.
Giờ đây, khi Tổng thống Donald Trump nói Mỹ "đang trong điều kiện thời chiến" để chống Covid-19, ông một lần nữa đứng trên tiền tuyến.
Fauci sinh năm 1940 trong một gia đình dược sĩ người Italy nhập cư ở Brooklyn, New York. Ông đã "đi giao đơn thuốc từ khi biết đi xe đạp", Fauci kể với tạp chí trường Holy Cross năm 2002. Năm 1966, ông tốt nghiệp thủ khoa trường y Cornell và gia nhập NIH năm 1968.
Bước ngoặt sự nghiệp đến với Fauci vài thập kỷ sau đó, khi một báo cáo được đặt trên bàn làm việc của ông ngày 5/6/1981, mô tả một bệnh nhân chết vì bệnh viêm phổi lạ chỉ thường thấy ở người mắc ung thư. Một báo cáo khác sau đó mô tả 26 bệnh nhân tương tự, tất cả đều là những người đồng tính nam.
"Tôi đã đọc rất kỹ", ông nói. "Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi 'dựng tóc gáy'. Có điều gì đó rất sai. Hẳn phải là một loại virus mới lây truyền qua đường tình dục".
Là một bác sĩ lâm sàng, nghiên cứu của Fauci về hệ thống miễn dịch của con người được ghi nhận là đã giúp tiết lộ cách thức virus HIV phá hủy hệ miễn dịch. Ông đã dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng cho zidovudine, loại thuốc kháng virus điều trị AIDS đầu tiên.
Tuy nhiên, khi HIV lây lan ở Mỹ vào những năm 1980, ông trở thành mục tiêu của các nhà hoạt động tức giận vì bệnh nhân không được tiếp cận loại thuốc mới và phản ứng thiếu quyết đoán của chính quyền tổng thống Ronald Reagan.
Người biểu tình giơ các biểu ngữ bên ngoài văn phòng chính phủ viết: "Bác sĩ Fauci, ông đang giết chúng tôi". Biên kịch Larry Kramer, người ủng hộ quyền của người đồng tính, thậm chí còn lấy Fauci làm nguyên mẫu cho một nhân vật phản diện trong vở kịch của mình.
"Khi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy nhiều người ném bom khói trên bãi cỏ của NIH", Fauci kể trong một cuộc phỏng vấn năm 2011. "Cảnh sát định bắt họ nhưng tôi nói: 'Đừng làm vậy. Đưa họ lên văn phòng để tôi nói chuyện'".
Ông được ca ngợi vì sự cảm thông với bệnh nhân AIDS. Fauci được cho là đã thuyết phục các nhà quản lý nới lỏng hạn chế thử nghiệm lâm sàng để cho phép bệnh nhân thử các loại thuốc mới.
New York Times gọi ông là "người nổi tiếng hàng đầu của chính phủ về chống AIDS". Họ nhấn mạnh ông thực sự tự mình thực hiện nghiên cứu, không giống như nhiều chuyên gia khác để trợ lý làm hộ. Ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, năm 2008.
Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm giám đốc ban Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của NIH. Bộ phận này nghiên cứu từ AIDS, Ebola cho đến hen suyễn. Ông đã tư vấn cho 6 tổng thống, giúp thiết lập Sáng kiến AIDS ở châu Phi, chương trình do chính quyền George W. Bush khởi xướng để hỗ trợ các nước chống lại căn bệnh thế kỷ.
Hiện giờ, ông được công chúng Mỹ coi như "tư lệnh giải thích", xuất hiện bên cạnh Trump trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng, mô tả cách đối phó Covid-19 của Mỹ, giải thích về mặt khoa học và đôi khi "sửa lưng" những phát biểu của Tổng thống.
Khi Trump tuyên bố sẽ sớm có vaccine cho nCoV, Fauci đính chính rằng cần ít nhất một năm rưỡi để làm điều đó.
Khi Trump nói loại thuốc chống sốt rét phổ biến có thể được sử dụng để điều trị Covid-19, một phóng viên đã hỏi lại Fauci. Câu trả lời của ông rất thẳng thắn: "Không, điều bạn nói chỉ là thông tin truyền miệng chưa được kiểm chứng".
Nhiều người Mỹ coi Fauci là nhân tố trấn an. Ngày 23/3, khi ông không xuất hiện bên cạnh Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi trên Twitter: Liệu ông ấy có bị sa thải vì sửa lời Trump không? Hay ông ấy đã nhiễm nCoV rồi?.
"Người duy nhất tôi muốn nghe phát biểu là Fauci", Molly Jong-Fast, biên tập viên Daily Beast viết trên Twitter. Dòng tweet nhận được hơn 22.000 lượt thích và hơn 2.800 lượt chia sẻ.
Fauci sau đó cho biết ông vẫn khỏe và làm việc như bình thường. "Thắc mắc của cộng đồng mạng cho thấy công chúng đang đặt lòng tin vào vị bác sĩ thẳng thắn đến từ New York khi virus lây lan trên diện rộng", ký giả Lauren Gambino của Guardian viết. Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 85.000 ca nhiễm, hơn 1.300 ca tử vong.
Trump đã chú ý đến sự nổi tiếng của Fauci, chuyên gia trả lời nhiều cuộc phỏng vấn và xuất hiện nhiều trên TV, một cửa hàng thậm chí còn bán bánh rán hình chân dung ông. Tổng thống gọi nhà nghiên cứu là "ngôi sao truyền hình lớn". Ông dường như không có ác cảm với Fauci dù họ đôi khi bất đồng ý kiến. "Tôi rất quý ông Fauci", Trump nói hôm 23/3.
Fauci nói với tạp chí Science rằng ông đã cố gắng hết sức để cung cấp thông tin chính xác cho công chúng nhưng cũng phải cư xử hợp lý. "Tôi không thể nhảy xổ ra trước micro, đẩy Tổng thống sang một bên và bác bỏ lời ông ấy ngay lập tức. Điều tôi có thể làm là đính chính thông tin sau đó".
Fauci khẳng định ông vẫn sẽ cố gắng cung cấp cho công chúng thông tin đúng và không ngại sửa lời Tổng thống: "Tôi vẫn chưa bị sa thải", ông nói.
Phương Vũ (Theo BBC/Guardian)