Cha Bacaltos tự giao cho mình nhiệm vụ ngày hôm đó là cầu nguyện cho những thi thể đang nằm rải rác quanh nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp của ông ở Tacloban. Ông băng qua đường đến bệnh viện đối diện, tìm kiếm thêm các thi thể ở đó, rồi lại đến những vùng khác, nơi bị cô lập bởi những đống đổ nát chặn ngang đường. Ngày hôm đó của ông trôi qua trong sự nặng trĩu.
"Thật khó khăn cho tôi. Những gì vừa trải qua thật bàng hoàng", ông nói. "Đến ngày hôm sau, khi cử hành Thánh lễ, tôi đã khuỵu xuống vì quá đau đớn".
Tìm đến Chúa
Hàng trăm người sống sót đang trú tạm ở trong nhà thờ của cha Bacaltos. Nhiều người trong đó hỏi cha rằng tại sao Chúa trời lại để tai họa như siêu bão Haiyan giáng xuống một thành phố như Tacloban, nơi người dân chủ yếu là tín đồ Công giáo.
Ông đã trả lời họ rằng: "Chúa không phải là căn nguyên gây ra đau khổ. Chúa không thể ngăn chặn điều này. Đây là thảm họa từ tự nhiên mà ra". Tuy nhiên, về lý do tại sao bi kịch lại xảy ra với Tacloban và hơn 200.000 dân cư ở đây, cha Bacaltos nói rằng "thật khó để lý giải".
Trong lúc những người sống sót ở thành phố này đang nỗ lực để vượt qua những mất mát sau thảm họa, tôn giáo là một chỗ dựa về tinh thần vững chắc cho họ, nhất là khi chính quyền địa phương đã ngừng hoạt động trong nhiều ngày.
Ở nhà thờ Santo Nino, cách đó chỉ vài tòa nhà về phía bắc, Joan Norcio, 26 tuổi, ngồi trên một băng ghế gỗ dài phía sau, chờ Thánh lễ bắt đầu. Nhà cô đã bị phá hủy, 3 người thân mất tích. Cô không nhận được lương thực cứu trợ từ chính quyền và phải trông vào sự giúp đỡ của hàng xóm.
Đối với Norcio, việc tham dự Thánh lễ ở Santo Nino là một "sự cứu rỗi lớn" vào lúc này, cô nói khi đang ngồi cạnh một người hàng xóm và đứa con trai nhỏ của bà.
Cơn bão đã cuốn bay hầu hết phần mái của nhà thờ. Một bể nước bẩn đọng giữa giữa sàn nhà. Nhà nguyện ngập trong bùn nâu và bàn ghế gãy. Nhưng bàn thờ vẫn còn nguyên vẹn.
Thánh lễ được tổ chức lại chỉ một ngày sau bão và bây giờ là hai, ba lần mỗi ngày, cha Isagani Petilos, một trong các chức sắc của nhà thờ cho biết.
Cha Petilos, người cũng làm lễ cầu nguyện cho các thi thể ở quanh nhà thờ ngay sau cơn bão, không biết liệu tôn giáo có thể giúp đỡ gì cho người còn sống sau bão hay không.
"Chỉ Chúa mới biết được", ông nói. "Tất cả chúng ta đều là nạn nhân. Có những gia đình bị xóa sổ". Ông và các linh mục khuyến khích mọi người viết tên của những người đã khuất lên một tấm bảng để họ được nhắc đến trong những lời cầu nguyện của giáo đoàn.
Norcio cho biết cô dùng một tấm bảng khác ở phía sau nhà thờ, nơi mọi người có thể cung cấp chi tiết về những người thân bị mất tích với hy vọng có ai gặp hay biết họ ở đâu thì báo tin.
Ngồi cách một vài hàng, Arsenia Orioque, 74 tuổi, đến nhà thờ để cầu nguyện và được chăm sóc y tế tại đây vào các buổi chiều.
Từ khi cơn bão cuốn trôi nhà và cửa hàng tạp hóa nhỏ của bà, bệnh ho của Orioque thêm trầm trọng. Áo quần của bà đã bị trôi sạch, chỉ còn mỗi chiếc áo phông đỏ mà một người hàng xóm đưa cho bà từ một siêu thị gần đó trong một lần vào đây cướp đồ dùng sau bão.
Trước đây, bà rất hiếm khi đến nhà thờ, nhưng bây giờ, đây là nơi bà có thể tìm thấy sự yên bình. "Trong những lời cầu nguyện, tôi cảm ơn Chúa trời vì đã cho tôi được sống sót trong cơn bão", Orioque nói.
'Sự trừng phạt của Chúa'
Ở Philippines, hơn 80% dân số là tín đồ Công giáo Roma, và chỉ một phần nhỏ những người được hỏi cho biết họ không theo tôn giáo nào.
Nhiều người Tacloban cảm nhận được sự gần gũi với lịch sử Công giáo của quốc gia này bởi vào năm 1521, nhà thám hiểm Ferdinand Magellan từng đặt chân đến đảo Cebu, cách Tacloban không xa. Sự xuất hiện của ông đã đánh dấu sự truyền bá Công giáo đến nhiều nơi của quốc đảo.
Tinh thần truyền giáo ấy vẫn được nuôi dưỡng cho đến nay và trong nhà thờ của cha Bacaltos. Nhà thờ đã cung cấp thức ăn, nơi ở cho hơn 300 gia đình từ sau bão Haiyan. Ở bên trong, trẻ em vui đùa giữa những lối đi và những nồi thịt được đun lên trên các bếp lửa nhỏ.
Ngồi cởi trần với một điếu thuốc ngậm ở miệng, ông Eddie Cinco bày tỏ sự bất đồng với quan điểm về nguyên nhân dẫn đến cơn bão của cha Bacaltos.
"Đó là hành động của Chúa", ông nói, cây thánh giá bằng bạc đeo ở cổ và vết thương bên cánh tay phải đang lành dần. "Chỉ có Chúa mới đủ mạnh để làm điều đó".
Ông cho rằng có thể Chúa đã quyết định trừng phạt Tacloban nhưng ông không biết tại sao. Cinco vẫn cảm ơn Chúa khi ông và 6 người trong gia đình được sống sót, dù nhà của họ đã bị san phẳng. Trong những lời cầu nguyện, ông xin Chúa đừng tạo ra thêm bất kỳ tai ương nào nữa.
Trên các đường phố, những xác chết vẫn la liệt. Nhiều thi thể trong số đó đang được các nhân viên cứu trợ thu thập, cho vào những chiếc túi và chuyển đến một nhà xác ngoài trời.
Trước cửa nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp hôm 15/11, một dãy túi đựng thi thể đang được chuyển lên phía sau xe tải. Cuối dãy là một quan tài thô sơ với một cây thánh giá gỗ tựa vào đó.
Nhận thấy chiếc quan tài không vừa với xe tải, các nhân viên đã tháo cây thánh giá ra và dùng nó để cậy nắp. Họ lôi ra thi thể của một phụ nữ trẻ và một người đàn ông già hơn được quấn lỏng lẻo và đặt họ trên đường.
Nhiều người trong đám đông xung quanh đưa tay hoặc áo lên bịt mũi. Các nhân viên đặt những thi thể vào trong túi xác, rồi chất chúng lên xe tải.
Ở ngoại ô thành phố, nhiều thi thể vẫn chưa có người thân đến nhận về đang được tập trung tại một ngôi mộ tập thể. Không có dấu hiệu gì của những nghi lễ tôn giáo tại đây. Tuy nhiên, thị trưởng Alfred Romualdez cho hay một linh mục sẽ chủ trì buổi lễ tại ngôi mộ tập thể khi được chính quyền cho phép.
Những cảnh tượng bi kịch như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày ở khắp Tacloban, nhưng cha Petilos động viên mọi người không nên chỉ nghĩ đến nỗi đau khổ.
"Thậm chí chuyện này có xảy ra với chúng ta thì vẫn còn hy vọng", ông nói, nhấn mạnh rằng một số gia đình trong thành phố đã bắt đầu xây dựng lại cuộc sống, dù quá trình này sẽ còn kéo dài rất lâu.
"Vâng, chúng tôi đã bị thiệt hại", ông nói. "Bị tàn phá. Nhưng chúng tôi không chết".
Anh Ngọc (theo CNN)