Công ty bảo hiểm của hãng hàng không China Airlines (CAL) sẽ đưa ra quyết định có yêu cầu hành khách bồi thường chi phí chuyển chặng khi bà này sinh con hay không, AP dẫn lời Weni Lee, nhân viên phụ trách truyền thông của hãng cho biết hôm qua.
Hành khách này lúc gần nửa đêm 7/10 đã lên chuyến bay từ sân bay quốc tế Đào Viên của Đài Loan và dự kiến đến thành phố Los Angeles, Mỹ, vào tối hôm sau. Tuy nhiên, khi mới bay được 6 giờ, người phụ nữ cấp báo với tiếp viên rằng cô đã bị vỡ ối.
Phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống Alaska để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Đứa trẻ đã chào đời 30 phút trước khi máy bay đáp xuống. Đứa bé được cho là sinh non 8 tuần. Sau đó máy bay tiếp tục hành trình, đến Los Angeles muộn ba giờ so với dự kiến.
Truyền thông Đài Loan ước tính khoản tiền người phụ nữ có thể phải trả trị giá 33.000 USD, trong khi CAL cho hay công ty bảo hiểm vẫn đang tính toán.
Báo chí Đài Loan cho rằng bà mẹ rõ ràng muốn lấy quốc tịch Mỹ cho con mình. Tờ China Times cho biết trước khi sinh con, cô đã hỏi phi hành đoàn là: "Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?".
Đại điện của CAL Lee cho biết việc này chưa được xác minh.
Theo các quan chức bang Alaska, đứa trẻ được quyền mang quốc tịch Mỹ. Thậm chí nếu được sinh ra ở không phận quốc tế, đứa trẻ cũng có quyền này, Susan Morgan, phát ngôn viên của Cơ quan Dịch vụ xã hội bang cho hay.
Vụ việc thu hút sự chú ý đặc biệt ở Đài Loan, thậm chí nó trở thành cuộc tranh cãi ở cơ quan lập pháp đầu tuần này.
"Đây là một hành động ích kỷ. Rõ ràng là một hành động được thực hiện để đứa bé có quốc tịch Mỹ. Cô ta gây ảnh hưởng tới chuyến bay của những hành khách khác, mà không bị phạt ư?", nghị sĩ Luo Shu-lei hét lên với người đứng đầu ngành giao thông trong phiên họp ngày 19/10.
Tờ China Times cho hay người phụ nữ khi đó mang thai ở tuần thứ 36, nhưng cô nói với hãng hàng không là chưa tới 32 tuần. Theo luật của Đài Loan, hành khách phải cung cấp giấy chứng nhận y tế rằng mình có thể bay nếu họ đang mang bầu hơn 32 tuần.
Người phụ này bị gửi trả về Đài Loan từ Alaska hôm nay mà không có con theo cùng. Nhà chức trách Mỹ chưa nêu lý do vì sao. Theo Shanghaiist, bà mẹ có họ là Jian, đã về đến Đài Loan và từ chối trả lời câu hỏi của báo chí tại sân bay.
Trước những năm 1980, một số bà mẹ Đài Loan muốn sinh con ở Mỹ nhưng việc này giờ không còn phổ biến. Các bà mẹ ở Trung Quốc đại lục hiện có thể dễ dàng đến Mỹ sinh con và đứa trẻ đương nhiên có quốc tịch ở đây.
Khánh Lynh