Phóng viên AFP tại hiện trường hôm 1/8 cho biết các xe tải và rào chắn đã được dọn sạch khỏi các con đường ở khu vực cửa khẩu Serbia - Kosovo, sau khi những tiếng súng và còi báo động không kích cuối tuần qua vang lên ở miền bắc Kosovo, khiến căng thẳng tăng cao.
Đến chiều 1/8, các con đường dẫn đến cả hai cửa khẩu đã được mở lại.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bắt đầu leo thang sau khi chính phủ của Thủ tướng Kosovo Albin Kurt hôm 31/7 yêu cầu người Serbia sống trong vùng lãnh thổ này phải chuyển đổi sang biển số xe Kosovo trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 1/8.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp, dù Kosovo đã tuyên bố độc lập vào năm 2008.
Chính phủ Kosovo cũng quyết định kể từ 1/8, tất cả công dân từ Serbia đến Kosovo phải xin giấy phép nhập cảnh tại biên giới. Thủ tướng Kurti tuyên bố đây là động thái có đi có lại vì Serbia áp dụng quy tắc tương tự cho người Kosovo đến Serbia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kurti sau đó dường như đã lùi bước, trì hoãn việc thực hiện các biện pháp trên trong một tháng, sau khi gặp đại sứ Mỹ tại Kosovo Jeffrey Hovenier vào cuối ngày 31/7. Ông Kurti hôm 1/8 cũng chỉ trích những người bị cáo buộc đứng sau bất ổn cuối tuần.
"Chúng tôi kêu gọi các lực lượng quốc tế, các thủ đô dân chủ phương Tây, Liên minh châu Âu và NATO lên án bạo lực cũng như sự hung hãn của các băng nhóm ở phía bắc Kosovo, rõ ràng được tổ chức và tài trợ bởi Serbia", Thủ tướng Kurti nói.
Lực lượng Kosovo (KFOR), lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu, đã ra tuyên bố nói rằng tình hình an ninh ở phía bắc Kosovo căng thẳng và "sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa". Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Italy, quốc gia thành viên NATO, đã xuất hiện tại thành phố Mitrovica hôm 31/7.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serbia chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm người này.
Khoảng 100 quốc gia, phần lớn là các nước phương Tây, công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Ngọc Ánh (Theo AFP)