Sáng cuối tuần, nhiều em nhỏ chạy nhảy, nô đùa trên con hẻm rộng thênh thang, dài gần 300 m trải nhựa láng bóng ở số 162 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Đứng trước cửa nhà, bà Lê Thị Uyên, 69 tuổi, cười mãn nguyện. Sau nhiều năm chính quyền nỗ lực vận động, con hẻm rộng 1,9 m chỉ đủ hai xe máy tránh nhau đã mở rộng lên 5 m, lắp thêm cống thoát nước tươm tất.
Bà Uyên nhớ lại, rạng sáng bốn năm trước, cột điện trong hẻm bị cháy, kèm tiếng nổ khiến hàng chục người túa ra ngoài, nháo nhào tìm cách dập lửa, gọi cứu hỏa. May mắn, đám cháy nhỏ nên lực lượng chức năng dễ khống chế.
Từ sự cố đó, hơn 60 hộ dân trong xóm bàn nhau hiến đất mở rộng hẻm, sửa lại đường. Nhà rộng hiến hơn chục mét, nhà nhỏ hiến vài mét. Bởi ai cũng lo sợ nếu nhà cháy, người bị ốm đau cần cấp cứu rất khó xử lý vì xe cứu hỏa, cứu thương không thể chạy vào. Không những vậy, vào mùa mưa, con hẻm trở nên nhếch nhác vì nhiều mảng vữa bêtông xuống cấp vỡ vụn, sụp xuống tạo nên những ổ gà đọng nước, đi lại rất khó khăn. Khi mưa lớn hẻm bị ngập, nước tràn vào nhà.
Căn nhà nhỏ chỉ rộng 18 m2 của bà Uyên giờ chỉ còn hơn 13 m2. Cổng nhà bị phá bỏ, mặt tiền trước nhà bị vát xéo chạy theo hẻm. Căn nhà bình thường đã nhỏ nay càng nhỏ thêm. "Nhà chật một chút nhưng đường lại rộng thêm cũng đâu mất mát gì lớn", bà lão nói.
Cách nhà bà Uyên gần 100 m, tiệm cơm của ông Huỳnh Văn Lộc, 56 tuổi, được người dân trong hẻm nói vui là "cơm chào cờ". Mỗi lần xe ba gác đi qua, tất cả khách tại quán phải đứng lên, nép sát vào hẻm. Từ ngày hẻm được mở rộng, khách ngồi ăn thoải mái, không còn cảnh vừa ăn vừa sợ như trước. "Mở rộng hẻm, bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Việc buôn bán của gia đình tôi thuận lợi hơn", ông Lộc nói.
Nhiều hẻm như 622 Nguyễn Kiệm, 491 Huỳnh Văn Bánh, 14 Đào Duy Từ, 19-20 Cô Bắc... ở Phú Nhuận cũng được mở rộng theo hình thức "nhà nước và nhân dân cùng làm". Người dân hiến đất, nhà nước chỉnh trang, cải tạo để hẻm được thông thoáng, sạch đẹp hơn.
10 năm qua, quận Phú Nhuận thực hiện 54 dự án mở rộng hẻm. Đến nay 43 công trình được đưa vào sửa dụng gồm 38 hẻm và 5 con đường. Hơn 2.100 hộ dân hiến đất với tổng diện tích 10.500 m2, giá trị trên 900 tỷ đồng. Có hộ hiến tới 40 m2 đất, tương đương diện tích một căn nhà, giá trị hàng tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, phần lớn nhà ở địa phương có diện tích nhỏ, đất nội thị nên giá trị cao. Điều này khiến quận gặp khó khi vận động người dân hiến đất. Chưa kể một số nhà có diện tích nằm trong lòng hẻm, buộc phải giải tỏa toàn bộ nên kinh phí bồi thường di dời khá lớn, vượt quá khả năng của quận.
Để giải quyết khó khăn, một mặt quận cử cán bộ vận động để người dân thấy được lợi ích việc mở hẻm, cho họ tham quan những công trình trước đó. Mặt khác, hộ dân gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền đền bù, cải tạo nhà từ quỹ vì người nghèo và các mạnh thường quân. Những nhà diện tích nhỏ được khuyến khích giải tỏa, hoán đổi bằng căn hộ tương đương để họ chuyển đến nơi ở mới.
"Chúng tôi tận dụng mọi nguồn lực, tìm mọi phương án giải quyết thấu tình đạt lý, thuyết phục người dân", ông Phương nói và cho biết 6 tháng cuối năm, quận đưa vào sử dụng 6 hẻm, 5 hẻm khác sẽ khởi công trong năm nay. Trong 5 năm tiếp theo, mỗi năm quận đặt mục tiêu mở rộng ít nhất một hẻm.
Tại quận 3, nhiều con hẻm cũng được mở rộng như: 359 Lê Văn Sỹ, 453 Nguyễn Đình Chiểu, 1008 Trường Sa... Hồi đầu năm nay, hơn 170 hộ dân hẻm 62 Lý Chính Thắng vui mừng khi con hẻm dài 400 m được mở rộng từ 3 m lên gần 6 m. Người dân bây giờ thoải mái ngồi ở hẻm đọc báo, tập thể dục, các em nhỏ có không gian rộng rãi để chơi đùa.
Vừa buộc dây giày chuẩn bị đi tập thể dục, ông Hoàng Văn Thía, 68 tuổi, thành viên tổ vận động hiến đất khu phố 4B vui mừng nói, bà con ai cũng phấn khởi khi hẻm hoàn thành. Trong hơn 14 năm qua, ông Thía không nhớ bao nhiêu lần đi gõ cửa từng nhà vận động từng người hiến đất mở hẻm. Có nhà không đồng ý, ông phải tới nhiều lần để thuyết phục.
"Nói là hiến đất nhưng thực tế khi hẻm mở rộng, giá trị ngôi nhà sẽ tăng lên. Tính ra người dân còn có lợi hơn khi đường sá thông thoáng, xe cứu thương, cứu hỏa dễ vào khi có sự cố", ông Thía nói và cho biết, một số gia đình sau khi mở rộng hẻm chuyển sang kinh doanh bán tạp hóa, cà phê tăng thu nhập.
Thống kê của UBND quận 3, trong 5 năm qua đã triển khai 29 dự án, mở rộng 37 hẻm với diện tích gần 7.300 m2. Gần 1.300 người dân hiến đất mở hẻm với giá trị đất lên tới 363 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, đến nay hàng chục nghìn người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá nhà nước).
Ở quận 2, người dân hiến 21.100 m2 (trị giá gần 122 tỷ đồng), quận 7 trên 5.500 m2 (74 tỷ đồng), quận 12 trên 11.000 m2 (33 tỷ đồng)... Quận 9 sau 15 năm vận động, người dân hiến gần 20.000 m2 làm đường (350 tỷ đồng).
Các quận ngoại thành như Hóc Môn hiến trên 510.000 m2 (hơn 33 tỷ đồng), huyện Củ Chi hiến gần 750.000 m2 (355 tỷ đồng), huyện Bình Chánh hiến 790.000 m2 (540 tỷ đồng)...
Hà An