"Không biết họ đến từ đâu, họ là ai, mà họ lại đến giúp đỡ tôi", bà Thà, 92 tuổi, quê Mỹ Tho, Tiền Giang, bán trái cây ở vỉa hè đường An Dương Vương, quận 6 nói. Ngay cạnh bà là hai túi nilong đựng sữa, nước suối và bánh ngọt người ta ghé qua tặng. Cũng nhờ những người không quen biết mà hơn một tuần nay, ngày nào bà cũng được về sớm, không phải ngồi dầm mưa chiều như trước.
Bà Tám Hoàng, 61 tuổi, bán nước giải khát đối diện cho biết người phụ nữ 92 tuổi này đã bán ở đây từ nhiều năm. Năm ngoái, một khách mua hàng biết hoàn cảnh bà Thà nên chia sẻ lên mạng xã hội. Kể từ đó, cụ bà thỉnh thoảng lại nhận được sự giúp đỡ của người xa lạ nhưng mấy ngày gần đây khách đông hơn hẳn, người mua vây kín tấm bạt. Những lúc như thế bà Tám Hoàng lại chạy qua tính tiền, gói hàng, xếp trái cây giúp. Mỗi ngày, bà tặng cụ Thà hai ly trà đường uống cho đỡ mệt.
Bà Thà kể chồng và năm người con đều đã chết trong chiến tranh, chỉ còn lại người con út 50 tuổi bị nhiễm chất độc da cam, trí tuệ không phát triển và không có khả năng lao động. Cách đây hai năm, bà được người quen cho ở nhờ tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, nhưng con trai không đồng ý, đòi về quê để có bạn chơi là những đám trẻ con trong xóm.
Trước đây bà bán trái cây ở quê nhà Tiền Giang nhưng vài năm nay mọi người thường mua trái cây từ nhà vườn, giá rẻ hơn, bà không cạnh tranh nổi nên chọn cách lên TP HCM bán, mong kiếm được đồng lời nuôi con và tự nuôi bản thân.
Hàng ngày, cứ 21h bà đón xe đò từ nhà, đi hơn 70 km đến quận Bình Tân (TP HCM). Nửa đêm, xe cập bến, bà ngủ tạm ở vỉa hè trước Bệnh viện Triều An, đợi đến 4h gọi xe ôm chở đến đường An Dương Vương, quận 6 bắt đầu bán hàng, khi nào hết lại bắt xe đò về nhà. Mỗi ngày, trừ tiền vốn, tiền xe đò, xe ôm bà Thà lời khoảng 150.000-200.000 đồng, đủ mua thức ăn, thuốc và trang trải chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con.
Sáng 26/7, anh Thành, 30 tuổi, chạy xe máy 10 km từ quận 3 tìm đến quầy trái cây của bà Thà. Đến nơi đã có khoảng 5,6 người ở các quận khác tìm chỗ của bà để mua hàng.
"Bà hao hao ngoại tôi, dáng gầy guộc, nhìn rất thương", anh Thành nói. Chiều 25/7, anh tình cờ đọc được câu chuyện của bà trên mạng xã hội nên xúc động, quyết tâm sáng hôm sau phải tìm bà cụ bằng được. Tiền trái cây 40.000 đồng, anh đưa luôn 200.000 đồng không lấy lại tiền thối.
Dừng xe mua hai kg xoài, Tiểu Phụng, 18 tuổi, cho biết đã phải vòng mấy lần quanh đường An Dương Vương mới tìm được hàng của bà cụ. Cô gái trẻ dành thời gian hỏi thăm, động viên cụ bà trước khi rời đi.
Bà Thà kể nhiều ngày gần đây có một người phụ nữ khoảng 40 tuổi hôm nào cũng ghé qua, treo một phần bánh bột lọc ở trụ điện để bà ăn sáng. Khoảng 14h, trái cây gần hết, một thanh niên tầm 30 tuổi sinh sống gần đó sẽ giúp gói ghém và mang vác đồ đạc, chở bà ra bến xe về Mỹ Tho.
"Tôi được về sớm, có thời gian bên con nhiều hơn là hạnh phúc lắm", bà nói.
Ngọc Ngân