Chiều 5/12, anh Trần Thiện Dương, 32 tuổi, ở quận 8 chạy xe máy 120 km về huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tìm nhà vườn có cam cần giải cứu sau khi xem một số video về người dân miền Tây lao đao khi cam rớt giá.
Qua lời kêu gọi giải cứu trên mạng xã hội, anh đến một nhà vườn có khoảng 10 tấn cam bị thương lái trả 6 triệu đồng. Anh đồng ý mua lại toàn bộ theo giá chủ vườn mong muốn, cộng thêm chi phí vận chuyển, tiền công cho người cắt trái, chở lên Sài Gòn.
Tối 5/12, Dương đăng bài lên mạng xã hội, rao bán giá 6.000 đồng một kg, bằng đúng tiền vốn đã bỏ ra.
Trong ngày đầu, Dương nhận được 300-400 tin nhắn hỏi mua, điện thoại đổ chuông liên tục. "Có người đặt mua 200-300 kg cam một lần", chàng trai kể. Trong bốn ngày, 10 tấn cam đã được bán hết. Những ngày sau anh giải cứu thêm hai tấn cam trong khu vườn 4.000 m2 ở huyện Vũng Liêm.
"Tôi rất cảm kích tấm lòng của mọi người dành cho bà con trồng cam", anh Dương nói.
Tại Vĩnh Long, vùng trồng cam sành lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, hiện thương lái thu mua với giá 2.000 - 3.000 đồng một kg và chỉ mua của các nhà vườn đã có hợp đồng từ trước. Mức giá quá thấp này khiến người trồng cam lỗ khoảng 60 triệu đồng mỗi công đất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành tăng nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Giá cam các vụ trước dao động ở mức cao, 13.000 - 18.000 đồng mỗi kg, mang lại lợi nhuận tốt.
Diện tích tăng, năng suất các vườn cũng tăng cao khiến sản lượng cam bán ra thị trường mỗi ngày lớn, khó tiêu thụ.
Trước khó khăn của người nông dân, tuần qua ở TP HCM xuất hiện nhiều điểm "Giải cứu cam miền Tây" của các hội, nhóm thiện nguyện, chủ cửa hàng quần áo, quán ăn hay cá nhân.
Ngày 9/12, Nguyễn Minh Công, 29 tuổi, tham gia phiên livestream dài ba tiếng của các KOC trên mạng xã hội để giúp giải cứu cam Vĩnh Long. Anh đã kêu gọi được hơn 200 người mua.
Chị Thoại Ngân, 30 tuổi, chủ quán cà phê ở huyện Củ Chi cũng tự đặt mua 300 kg cam để tặng cho khách hàng theo phương thức "mua một ly nước được tặng một kg cam".
"Cam rất ngọt, chất lượng tốt nên tôi thấy thương cho bà con phải bán mức giá chạm đáy", Ngân kể. Trong ba ngày, quán Ngân đã tiêu thụ hết 300 kg cam trong khi vẫn còn một số khách ngỏ ý mua thêm.
Những đợt giải cứu cam đã giúp gia đình anh Quốc Anh, 28 tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vơi bớt nỗi lo. Vườn cam nhà anh có sản lượng khoảng 40 tấn được thương lái trả 20 triệu đồng, trong khi tiền chăm sóc, đầu tư lên đến 100 triệu trong một năm. Khoảng 20% cam trong vườn đã rụng do không được thu hoạch kịp thời.
Hiện, gia đình bán được 7 tấn cam nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng.
"Tôi rất xúc động và biết ơn trước tấm lòng của người dân thành phố", Quốc Anh nói. "Nó sẽ bù đắp được phần nào chi phí và công cán của cả nhà trong cả năm qua".
Ngọc Ngân