8h ngày 31/7, bãi giữ xe rộng chừng 30 m2 tại khu cách ly Trung tâm y tế quận Gò Vấp (số 664 đường Lê Đức Thọ) dần lấp đầy bởi dòng người tới xét nghiệm liên tục. Sáu hàng xe máy chật kín, nhân viên bảo vệ mướt mồ hôi xếp xe nhắc nhở người đi xét nghiệm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Sau khi được nhân viên y tế đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, người dân vào khoảng sân rộng chừng 60 m2 với 4 bàn để khai báo y tế. Sáu nhân viên làm việc liên tục, hỗ trợ người dân điền thông tin trong tờ khai. Thỉnh thoảng họ phải nhắc nhở mọi người ngồi giữ khoảng cách 2 m. Tuy nhiên, lượng người vào quá nhiều, khiến việc giữ khoảng cách rất khó khăn.
Hoàn thành xong khai y tế, người dân sẽ chờ gọi tên để vào khu xét nghiệm lấy dịch mũi và họng. Hai bàn lấy mẫu liên tục tiếp nhận người. Mỗi bàn có một nhân viên y tế lấy mẫu mất chừng một phút cho một trường hợp. Đầu đội nón che giọt bắn, mang găng tay, đồ bảo hộ, họ phải làm việc liên tục không nghỉ khi số lượng người đến làm xét nghiệm đông.
Ngồi chờ lấy mẫu xét nghiệm, chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (42 tuổi) ở phường 3, quận Gò Vấp, lộ vẻ lo lắng. Chỉ ở Đà Nẵng 3 ngày (từ 2 đến 5/7) nhưng khi nghe sáng nay có 45 ca nhiễm, chị Hạnh đi xét nghiệm ngay.
"Tôi đi du lịch với hơn 20 người trong công ty. Biết Đà Nẵng có ca nhiễm, tất cả đều phải tự cách ly, làm việc ở nhà. Sáng nay đọc báo có 45 người dương tính, cả nhà ai cũng thảng thốt. Đến Đà Nẵng lúc chưa có dịch nhưng tôi nghe thông tin lạnh cả sống lưng", chị Hạnh kể.
Dự kiến quận Gò Vấp có khoảng 2.000 người từng ở Đà Nẵng tính từ 1/7. Đến nay, y tế quận đã lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 1.200 người, trong hôm nay sẽ lấy mẫu thêm 200 người.
Trả lời VnExpress, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, để đảm bảo giãn cách và không bị quá tải, ngành y tế lên danh sách ưu tiên xét nghiệm theo nhóm nguy cơ. Những người từng ở Đà Nẵng trong thời gian dịch và ở gần địa điểm có người nhiễm nCoV sẽ được xét nghiệm trước. Những người thuộc nhóm ít nguy cơ hơn sẽ xét nghiệm sau.
"Trong 4 ngày tổ chức lấy mẫu, chúng tôi cũng ghi nhận trường hợp một người đi Đà Nẵng nhưng cả gia đình cùng làm xét nghiệm. Do đó, quận yêu cầu phường khi làm thủ tục khai y tế cần kiểm tra kỹ bằng cách yêu cầu người xét nghiệm cung cấp vé tàu, vé xe, kế hoạch công việc, lịch trình...", ông Hòa nói và cho biết có trường hợp người dân lo lắng, muốn xét nghiệm nhanh nên tới sớm hơn so với lịch hẹn khiến việc lấy mẫu quá tải, không đảm bảo giãn cách.
Tại quận 8, sảnh tầng trệt khu cách ly quận (số 5-7 Dương Bạch Mai) rộng chừng 60 m2 trở thành khu lấy mẫu xét nghiệm. Khu vực ngồi chờ và khu tiếp nhận tờ khai y tế được chăng dây giới hạn. Ghi nhận chiều 30/7, từ đầu giờ đã có rất đông người ngồi chờ đến lượt. Người dân trước khi vào làm xét nghiệm phải rửa tay sát khuẩn, mang khẩu trang.
Gương mặt lộ vẻ mệt mỏi, anh Bùi Trọng Hiếu (44 tuổi, ở phường 13) cho biết, anh cùng vợ và hai con gái đến trạm y tế phường làm khai báo y tế vào buổi sáng. Gia đình anh du lịch Đà Nẵng từ 15 đến 18/7. Về đến Sài Gòn biết tin bùng phát dịch ở Đà Nẵng, cả nhà phải tự cách ly. "Không ở Đà Nẵng thời gian có người nhiễm nhưng chúng tôi rất lo", anh Hiếu nói.
Ông Ngô Thanh Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 8 cho biết, để tránh quá tải, quận tổ chức lấy mẫu xét nghiệm luân phiên từng phường. Bốn phường sẽ được trung tâm lấy mẫu trong một ngày. Phường nào đông dân, người từ Đà Nẵng về nhiều sẽ lấy mẫu 2 phường trong ngày. Nhân viên y tế các phường làm thủ tục khai báo y tế, điều tra dịch tễ người từ Đà Nẵng về rồi chuyển danh sách lên quận lấy mẫu xét nghiệm.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 8 khuyến nghị, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, thực hiện xét nghiệm theo đúng giờ hẹn, không nên đổ xô đi xét nghiệm, tụ tập đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến ngày 31/7 có gần 22.400 từng ở Đà Nẵng từ 1/7 đã khai báo y tế, trong đó gần 14.100 người lấy mẫu xét nghiệm, 1.351 mẫu có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết, nhiều trường hợp khai báo y tế thiếu trung thực. Có trường hợp gia đình chỉ có một người từ Đà Nẵng về song cả nhà tới khai báo để được xét nghiệm nCoV. Tuy nhiên, có trường hợp từ Đà Nẵng về nhưng không khai báo y tế.
"Vì thế, ngành y tế thành phố mong muốn người dân cần sự tự giác để đảm bảo sức khỏe của mình và cộng đồng", ông Dũng nói
Hiện, TP HCM có 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm Covid-19, trong đó 5 đơn vị thuộc Sở Y tế. Mỗi ngày, thành phố có thể lấy 2.000 mẫu xét nghiệm, khi cần thiết có thể lên tới 3.000 mẫu với sự hỗ trợ của Viện Pasteur. Ngoài ra, thành phố có 47 bệnh viện có khu cách ly điều trị, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của cộng đồng.
"Việc xét nghiệm phải đúng người, tránh khai báo gian dối làm hao tổn nhân lực, vật lực. Không tập trung đông người ở các khu vực khai báo, lấy mẫu xét nghiệm tránh nguy cơ lây nhiễm", ông Dũng nói.
Hà An