Các buôn làng thuần dân tộc Raglai và K'ho trên vùng cao Bình Thuận những ngày qua rộn ràng đón Tết đầu lúa, còn gọi là lễ ăn mừng lúa mới. Tại huyện Bắc Bình, 4 xã vùng cao (Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến) đồng loạt tổ chức cúng lễ vào ngày 15 tháng Chạp.
Khi cúng lễ, một cây nêu cao hơn 5 m được dựng lên giữa làng. Các hình tượng chim thú, con người, công cụ lao động... được đẽo vót, chạm trổ bằng tre tươi hoặc cây gỗ, treo quanh cây nêu, đong đưa trước gió.
Chiều ngày Tết, ông Mang Lầu, 63 tuổi, già làng người Raglai ở xã Phan Điền mặc trang phục truyền thống với ba màu chủ đạo: đỏ, đen và vàng; trên đầu vấn khăn có tua. Ông bày mâm lễ vật ra tấm chiếu đặt sau cây nêu. Lễ vật gồm: ché rượu cần, con gà luộc, chuối chín, cơm trắng, trứng gà, trầu cau, nước lã và rượu trắng.
Rắc một ít trầm hương vào chén than cháy, khói tỏa lên từng làn nghi ngút, ông Lầu chắp tay khấn, đọc những câu bằng tiếng Raglai với ý nghĩa mời các vị thần sông, thần núi, ơn trên, ông bà tổ tiên... về dự lễ, chứng giám.
Lúc này, một nhóm nam thanh, nữ tú và đàn ông, đàn bà gần 20 người trong trang phục truyền thống đi vòng quanh nơi già làng đang cúng. Họ múa hát theo nhịp điệp mã la, trống, sáo và khèn bầu... Câu ca hòa điệu cùng tiếng già làng khấn vái: "Ơi Giàng (Trời) ơi, ơi Giàng ơi..."
Kết lễ, già làng rót nước và rượu rưới xuống đất rồi kính cẩn nói lời tạ ơn Giàng và các vị thần bảo hộ xứ sở năm vừa qua đã phù hộ cho dân làng được bình yên, khỏe mạnh, mùa màng no đủ. "Năm nào cũng vậy, khi mùa thu hoạch đã xong, chúng tôi đều cúng lúa mới, cầu mong Giàng tiếp tục phù hộ dân làng làm ăn tiến tới", già làng Mang Lầu cho biết.
Ông Mang Biên, 57 tuổi, già làng xã Phan Tiến cũng vừa tổ chức lễ cúng cho làng mình. Ông cho biết, phong tục này bắt nguồn từ truyền thống canh tác cây lúa mẹ (lúa rẫy) của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Theo ông Biên, ngày xưa, người vùng cao trên này đều trồng lúa rẫy. Loại lúa này phụ thuộc vào nguồn nước trời, được trồng vào đầu mùa mưa và thu hoạch sau đó 6 tháng. Vì đây là nguồn lương thực chính nuôi sống đồng bào, nên người vùng cao rất quý trọng và gọi là "lúa mẹ".
Mỗi khi thu hoạch xong lúa mẹ và hoa lợi trên các cánh đồng, cả làng bắt đầu tổ chức ăn mừng lúa mới, còn được gọi là Tết đầu lúa.
Ngày nay, lúa mẹ không còn phổ biến, thay vào đó là các loại hoa màu và cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Người K'ho, Raglai... ở miền núi Bình Thuận nay chỉ trồng lúa mẹ với diện tích nhỏ vừa đủ làm rượu cần cũng như phục vụ các lễ cúng theo phong tục xưa.
Dù vậy, tới nay người dân ở đây vẫn duy trì "Tết đầu lúa" với ý nghĩa chung là ăn mừng mùa thu hoạch vừa xong. "Người Raglai chúng tôi vẫn duy trì phong tục này, để con cháu mai sau luôn nhớ về nguồn cội", già làng Biên nói.
Ngoài lễ cúng chung do già làng thực hiện, vào các ngày sau đó, từng gia đình trong buôn làng còn tổ chức ăn mừng lúa mới tại nhà riêng. Tùy hoàn cảnh gia đình mà mâm cúng lớn hay nhỏ. Nhà khá giả làm thịt dê hoặc heo, còn nhà bình dân phần lớn cúng gà. Nhưng dù cúng món gì đi nữa, thì ché rượu cần là không thể thiếu trong dịp này.
Tuần rồi, gia đình ông Hà Văn Đô, 73 tuổi, dân tộc Raglai ở xã Phan Lâm làm mâm cúng, mời những người thân thiết và hàng xóm qua nhà uống chung ché rượu cần. Một năm làm lụng vất vả, đây là dịp họ thảnh thơi ngồi lại chung vui với nhau.
Theo ông Đô, nếu không làm lễ cúng, người vùng cao cảm thấy không an tâm trồng trọt, sản xuất, làm ăn trong năm tới vì lo sợ thần linh quở trách. "Ở trên này, nếu nhà nào chưa ăn lúa mới thì sẽ chưa dám lên rẫy, lên rừng trong năm mới", ông Đô cho hay.
Ngoài lễ cúng, trong dịp này, các buôn làng còn tổ chức thi bắn nỏ, giã gạo, biểu diễn nghệ thuật, nấu các món ăn truyền thống (cơm lam, canh bồi...) tạo không khí vui tươi, đoàn kết, ôn lại truyền thống văn hóa của tổ tiên.
"Các dân tộc thiểu số ở các xã miền núi Bắc Bình có bản sắc văn hóa riêng rất đặc sắc, đó là vốn quý mà chúng tôi đang khuyến khích bà con giữ gìn và phát huy giá trị", ông Huỳnh Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình nói.
Bình Thuận hiện có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống trên 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Người Kinh đông nhất, tiếp đó là người Chăm, Raglai, Hoa, K’ho, Tày, Châu Ro, Nùng, Mường... Trong đó, người Raglai và K'ho ở vùng núi (các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh) có phong tục ăn Tết đầu lúa vào giữa tháng Chạp kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Việt Quốc