Những ngày qua, nhiều trích đoạn quay lén bộ phim Nhà bà Nữ (phim Tết của Trấn Thành) bị tung lên TikTok với hàng chục nghìn lượt xem. Tương tự, các trích đoạn chủ chốt phim Chị chị em em của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng do diễn viên Ngọc Trinh và Thanh Hằng đóng chính, cũng bị ghi hình chia nhỏ thành nhiều video đăng tải trái phép trên nền tảng TikTok.
Đại diện các nhà sản xuất bày tỏ bức xúc và cho biết việc chiếu lậu phim, nhất là những đoạn đắt giá lên mạng, không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm thưởng thức của khán giả mà còn tác động xấu đến doanh thu của phim. Họ đã liên hệ với TikTok Việt Nam để gỡ các video khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Theo luật sư luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP HCM), việc sao chép tác phẩm hay bất cứ một hành vi nhân bản hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số, mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đều là những hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại khoản 6, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, các rạp chiếu phim đều công khai quy định không được phép quay lén và tải lên mạng xã hội. Do đó, việc quay lén tác phẩm điện ảnh và đăng tải lên mạng xã hội có thể xem là một hình thức sao chép vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả gây ra, người quay lén hoặc phát tán các đoạn phim sẽ bị phạt vi phạm hành chính 15-35 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm (theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP, Nghị định 129/2021/NĐ-CP). Đối với tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tăng lên gấp đôi.
Cùng quan điểm, song luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na) cho biết thêm, trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, cá nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù. Đối với tổ chức có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.
Việc tác phẩm điện ảnh bị quay lén và đăng tải trên mạng xã hội không phải là vấn đề mới và gây ra thiệt hại không hề nhỏ đối với các nhà sản xuất. Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan và nhà sản xuất có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm điện ảnh của mình dựa trên cơ sở thiệt hại được thống kê.
Theo luật sư Trạch, tác phẩm điện ảnh là thành quả làm việc của cả một đội ngũ gồm đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất... với kinh phí đầu tư lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đều có chế tài và thực tế đã có nhiều trường hợp bị xử phạt.
Do đó, người xem phim cần ứng xử văn minh, tôn trọng và cùng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thành quả lao động của đội ngũ sản xuất, đầu tư; đồng thời cũng là bảo vệ mình tránh rơi vào những rắc rối pháp lý không đáng. Bởi thực tế có nhiều người chỉ quay lén các tác phẩm điện ảnh để đăng lên trang cá nhân với mục đích "cho vui" và "thể hiện cá tính" mà không nghĩ tới hậu quả là bản thân phải gánh chịu hậu quả pháp lý nặng nề.
"Tôi nghĩ nên đưa các quy định của pháp luật về hành vi vi phạm bản quyền (quay lén) trước khi bắt đầu chiếu phim và gắn những biển nội quy phòng chiếu ở những nơi người xem phim dễ dàng nhận biết để cảnh báo người xem. Việc này hạn chế được các hành vi sai phạm do người không nắm rõ quy định pháp luật", luật sư Trạch nêu quan điểm.
Hải Duyên