Sáng sớm nay, căn nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) chật kín người, khói hương nghi ngút.
Ông Võ Đại Hàm (69 tuổi, người trông coi nhà lưu niệm) đang cấp tập lo hậu sự. Ông cho biết đã sững sờ khi nhận hung tin từ Hà Nội lúc 18h30 chiều qua. "Lúc đó tôi muốn khóc nhưng không thể khóc được, người đờ đẫn. Suốt đêm tôi không ngủ được, chỉ mong trời sớm sáng", người cháu họ của Đại tướng nói.
Nhận điện thoại từ ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) báo tin Đại tướng từ trần, bà Võ Thị Lài như rụng rời chân tay. Người cháu ruột ở tuổi 76 vội vàng chạy sang khu nhà lưu niệm cách đó chừng 300 mét.
Ôm bức tượng chân dung đại tướng, bà Lài khóc ngất: "Bác ơi, thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, quyết chiến và toàn thắng. Mệnh lệnh bác dạy chúng cháu sẽ không bao giờ quên. Chỉ tiếc rằng người dân Quảng Bình, người dân Việt Nam sẽ không bao giờ được gặp bác nữa".
Vừa thắp hương cho người bác ruột, bà Lài vừa khóc nức nở, tay bám chặt bức tượng vị tướng già hiền từ.
Đứng lặng người nhìn bức ảnh Đại tướng được treo ở vị trí trang trọng, ông Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi) bật khóc khiến nhiều người chứng kiến cũng khóc theo. "Đọc tin Đại tướng qua đời trên báo VnExpress, tôi như ngã quỵ nhưng vẫn quyết định chạy xe máy hơn 40 km trong đêm từ Đồng Hới về nhà lưu niệm của Đại tướng xem thực hư thế nào", ông Hoanh nói, gỡ cặp kính lão lau nước mắt.
Về đến nhà lưu niệm của Đại tướng giữa đêm tối, ông Hoanh thấy điện vẫn sáng nên mới tin tướng Giáp đã qua đời. Bước vào, thấy những ánh mắt buồn nhìn nhau, ông Hoanh lặng lẽ thắp nén hương, rồi hai dòng nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi gò má mỗi khi có ai đó gợi chuyện về Đại tướng.
Nguyên là trợ lý tham mưu công binh, binh trạm 14 (Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn) và nhiều lần được gặp Đại tướng trong những trận đánh ở đường Trường Sơn, ông Hoanh bảo chính tài quân sự, phong thái giản dị, gần gũi của Đại tướng đã làm những người dù chỉ gặp ông một lần cũng sẽ nhớ mãi.
"Năm ngoái tôi ra Hà Nội thăm Đại tướng, người vẫn còn khỏe, nhớ tên đầy đủ của tôi, rồi nhớ cả tiểu đội của tôi có bao nhiêu người", ông Hoanh nhớ lại.
"Từ sáng đến giờ, bà con làng An Xá kéo đến thắp hương chia buồn. Trăm người như một, ai cũng ngậm ngùi, bật khóc", bà Võ Thị Trang (69 tuổi) nói, giọng lạc đi, nước mắt chực trào. Bà bảo 5h sáng nay người cháu làm trên huyện về báo tin tướng Giáp mất, chân tay bà rụng rời, dù mấy ngày nay trong người cứ cồn cào, linh tính có chuyện chẳng lành.
Bà kể, cách đây hai tháng, cháu của bà làm việc ở huyện nên may mắn được ra Hà Nội thăm hỏi sức khỏe Đại tướng ở Bệnh viện 108. "Nó kể bác còn khỏe và minh mẫn lắm, nghe ai nói thuận đôi mắt còn nhấp nháy, còn ai nói trái là bác xua tay ngay. Cứ nghĩ bác sẽ sống qua mốc 105 tuổi, ai ngờ vừa mới sinh nhật 103 tuổi đã nhận tin bác ra đi mãi mãi…”, bà Trang ngậm ngùi nói.
Còn ông Lê Thành Thật (70 tuổi) dù bệnh nặng, tay run nhưng vẫn cố sang thắp nén nhang trước ban thờ Đại tướng. Ông kể, ở gần nhau nhưng mãi khi lên 12 tuổi và làm Đội trưởng Đội Thiếu niên - Tiền phong, ông mới có dịp được gặp trong lần Đại tướng về thăm quê cùng vợ.
"Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm được chạm tay với bác, được bác về thăm nhà cùng lời bác dặn dò gắng tu chí làm ăn, sống vui vẻ thoải mái với xóm giềng", ông Thật kể rồi ngồi thần người, chậm giọng ngâm bài thơ được ông sáng tác trong một lần tướng Giáp về thăm quê: "Mỗi lần bác Giáp về quê / Thương dân bác dạy mở nghề làm ăn / Làm kiệu hoa, trồng cói khó khăn / Nhưng cho giá trị gấp trăm ngàn lần".
Nguyễn Đông