"Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tạp chí Phụ nữ Thành đạt giới thiệu là một trong 5 người tiêu biểu của tháng. Điều đó tiếp thêm cho tôi động lực để duy trì hoạt động của khách sạn Fried trong thời kỳ bình thường mới, sống chung với đại dịch", chị Thiện, 52 tuổi, từng tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Nga trước khi cùng chồng sang Hungary lập nghiệp năm 1998, nói với VnExpress.
Khách sạn Fried được cải tạo trên nền một lâu đài cổ xây dựng từ năm 1926, nằm ở thị trấn Simontornya, hạt Tolna, cách thủ đô Budapest 120 km về phía tây nam. Khách sạn có 50 phòng, phục vụ được 150 khách, với khuôn viên rộng 19 hecta có công viên, khu vui chơi, vườn thú, đồi nho, hầm rượu vang palinka, loại rượu truyền thống trứ danh của Hungary.
Đầu tháng 3/2020, khi Hungary có ca nhiễm nCoV đầu tiên, chị Thiện cho rằng dịch bệnh không phải vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình diễn biến nhanh khiến chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp sau đó hai tuần. Khách sạn Fried của chị Thiện, từng được chọn "Khách sạn đẹp nhất Hungary" năm 2010, phải đóng cửa từ giữa tháng ba theo quy định chung.
"Khi đó tôi rất bối rối vì không lường trước được mức độ nghiêm trọng của Covid-19, nhưng tôi đã tự nhủ: mình cần bình tĩnh để giải quyết từng việc", chị Thiện nhớ lại.
Việc đầu tiên là chị tổ chức cuộc họp với 50 nhân viên, toàn bộ là người Hungary, để thông báo tình hình và khẳng định "không sa thải ai, cùng nhau vượt qua khó khăn".
Các nhân viên của Fried cũng đồng lòng, chấp thuận làm việc từ xa và lương giảm, có những người nhận mức lương bằng hơn một nửa so với điều kiện bình thường. Các nhân viên văn phòng giải quyết việc hủy phòng, hoàn tiền cho khách đã đặt trước hoặc nhận đơn chờ ngày mở cửa trở lại.
Nhân viên nhà bếp xử lý kho thực phẩm bị tồn dư, trong khi những người làm việc tại vườn nho và khu sản xuất rượu vang duy trì công việc để đảm bảo thu hoạch đúng vụ vào tháng 9. Những người khác đảm nhận sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của Fried và làm mới nội thất, phần việc chị Thiện chưa thực hiện được trong thời gian đông khách.
Trong thời kỳ "khách sạn ngủ đông", không có doanh thu, bà chủ của Fried đề ra các quy định phòng dịch, với nguyên tắc hàng đầu là "giữ an toàn cho cả chủ và khách". Các nhân viên được phổ biến quy định đeo khẩu trang, găng tay, khử trùng theo giờ tại khu vực có đông người như quầy lễ tân, phòng ăn, đặt ghế giãn cách ngăn nCoV tại phòng spa.
Sau ba tháng mong chờ, đến một ngày giữa tháng 6, chị Thiện nhận được thông báo khách sạn được phép mở cửa trở lại, vì Hungary cơ bản kiểm soát được Covid-19. Ai nấy đều háo hức chờ đón những vị khách đầu tiên của "thời kỳ bình thường mới".
Trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể đến Hungary, người dân gặp khó khăn vì các hoạt động kinh tế bị đình trệ do đại dịch, dẫn đến nhu cầu nghỉ dưỡng suy giảm, bà chủ của Fried xác định quảng bá là mũi nhọn để thúc đẩy hoạt động của khách sạn.
Trên website của Fried, những gói sản phẩm mới liên tục xuất hiện. Đó là kỳ nghỉ leo núi, đi dạo để nâng cao sức khoẻ trong dịch, kỳ nghỉ kết hợp tập yoga, kỳ nghỉ mùa thu, dành cho trẻ em, lễ hội Haloween cuối tháng 10, đi kèm dịch vụ đưa đón khách tận sân ga.
Khách đến nghỉ tại Fried còn có cơ hội tìm hiểu văn hoá Việt Nam khi thăm chùa Đại Bi trên diện tích 300 m2, được xây dựng từ Quỹ vì quan hệ Việt Nam - Hungary. Những hình ảnh sau tân trang của phòng nghỉ, khu spa, hầm rượu, vườn nho... của khách sạn liên tục được cập nhật, tạo hứng khởi cho khách. "Gương mặt mới" của Fried cũng xuất hiện dày đặc trên các kênh quảng bá do Tổng cục Du lịch Hungary xúc tiến, trong chương trình kích cầu nội địa.
Ngay trong tháng 7, lượng khách đặt phòng tại Fried đạt 80%. Đến tháng 8, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện khách sạn không còn phòng trống. Khi có đoàn chuyên gia của Italy đến nghỉ cuối tuần trong thời gian làm dự án tại Hungary, chị Thiện đã phải "đàm phán" với một nhóm khách nội địa để họ lùi lịch nghỉ, đi kèm giảm tiền phòng.
"Tôi khá bất ngờ với kết quả này, nó khác với lo ngại trước đây của tôi", chị Thiện nói, không giấu được niềm vui.
Theo chị, lượng khách đến Fried đông nhờ có các dịch vụ mới và nhờ tình hình an toàn chung ở thị trấn Simontornya. Thị trấn này chưa có ca nhiễm, trong khi số ca nCoV ở địa phận tỉnh Tolna thấp nhất Hungary, chỉ 580 ca trên 230.000 người. Hungary đang xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai, hiện ghi nhận hơn 54.000 ca nhiễm và hơn 1.300 người chết.
Bà chủ khách sạn người Việt cho rằng để có thể sống sót trong thời Covid-19, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, bên cạnh cải thiện sản phẩm và dịch vụ.
"Định hướng của chúng tôi là xác định sống chung với dịch lâu dài. Các biện pháp ngăn virus như rửa tay, giữ khoảng cách không đơn thuần là quy định, mà nó đã trở thói quen", chị nói.