To: <tamsu@vnexpress.net>
Sent: Tuesday, November 19, 2002 12:56 PM
Subject: Gui ban doc muc tam su
Tôi là một độc giả trung thành của VnExpress. Tôi thường vào mục Tâm sự để học hỏi kinh nghiệm sống. Tôi đã theo dõi hết mọi tâm sự và các ý kiến đóng góp khác nhau của nhiều bạn đọc. Những vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình, đặc biệt là những chuẩn mực đối với người phụ nữ làm tôi trăn trở nhiều. Là phụ nữ, tôi rất vui mừng khi có nhiều nam độc giả có cái nhìn thoáng hơn đối với phụ nữ chúng tôi. Tuy nhiên nhiều quan niệm cổ hủ hẹp hòi ích kỷ vẫn tồn tại. Đã nhiều lần tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình, nhưng quả thực là tôi ngại. Tôi đang học tập ở nước ngoài nên e là mình bị ảnh hưởng của văn hoá Tây phương và chỉ trích văn hoá truyền thống. Hôm nay nhân đọc được những trăn trở của anh Thanh Xuân, tôi xin mạnh dạn bày tỏ vài suy nghĩ của mình cùng bạn đọc.
Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống. Gia đình tôi gồm 3 thế hệ sống chung với nhau thuận hoà: ông bà nội, ba mẹ tôi và chúng tôi. Bà nội tôi là một phụ nữ truyền thống, bà đã là một người con dâu, một người vợ, và một người mẹ mẫu mực theo chuẩn mực nho giáo. Bà tôi khi còn minh mẫn, luôn răn dạy chúng tôi về “tam tòng” và ”tứ đức”. Mẹ tôi từ ngày bước chân về nhà chồng đã làm dâu dòng họ nội tôi đến tận hôm nay khi tóc đã bạc và chúng tôi đã khôn lớn lập gia đình. Tôi luôn luôn tự hào về điều ấy và gìn giữ những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, được đi đây đi đó nhiều, tôi nhận thấy rằng người Việt Nam chúng ta còn nhiều quan niệm cổ hủ và quá bất công với phụ nữ.
Thứ nhất là quan niệm chuộng con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai xem như có, còn 10 con gái cũng bằng không) vẫn còn phổ biến rộng rãi. Trong khi trên thực tế một nửa nhân loại và một nửa dân số Việt Nam là phụ nữ. Quan niệm này đã tước đi quyền con người tối thiểu của người phụ nữ. Bản thân tôi sắp lập gia đình và nơm nớp lo sợ là chỉ sinh toàn con gái.
Thứ hai là quan niệm về trinh tiết phụ nữ. Trong khi đàn ông tự cho mình cái quyền được tự do quan hệ luyến ái “trai năm thê bảy thiếp”, và quyền được phán xét phụ nữ, còn phụ nữ một khi đã mất trinh tiết vì bất kỳ lý do gì thì bị xem gần như là “ đồ bỏ đi” và bị toà án lương tâm và xã hội phán xử suốt đời.
Thứ ba là sự độc đoán gia trưởng của đàn ông trong gia đình mà tôi nghĩ là bắt nguồn từ quan niệm xa xưa “chồng chúa vợ tôi”. Rất tiếc là hầu hết chúng ta, cả nam lẫn nữ đều cho đây là điều bình thường. Người chồng có quyền quyết định tất cả và có quyền la mắng, thậm chí xúc phạm và đánh đập vợ mình, còn người vợ thì luôn được răn nhủ là phải nhường nhịn chồng, không được phản ứng lại trong những trường hợp như thế. Chính điều này đã dẫn đến bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tinh thần mà tôi nghĩ trong cuộc đời làm vợ, làm dâu, không một phụ nữ Việt Nam nào không từng ít nhất một lần trải qua.
Và còn nhiều bất công nữa... Những quan niệm bất công này do đàn ông lập ra, áp đặt lên phụ nữ, nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Bây giờ dù xã hội đã thay đổi, nhưng quan niệm cổ hủ này vẫn còn tồn tại và nam giới tiếp tục tận dụng nó để biện hộ cho sự ích kỷ của mình. Thật đáng tiếc là chúng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam cả nam lẫn nữ, và nhiều người trong chúng ta còn ủng hộ, thậm chí còn tôn vinh những điều bất công này. Một ví dụ đơn giản là chị vợ anh Tuân hoàn toàn ủng hộ với cách cư xử của chồng mình với người vợ chưa cưới đáng thương trước đây. Mà xét cho cùng thì lỗi không hẳn là ở hai anh chị, mà do hai anh chị đã được giáo dục với cách suy nghĩ như thế và sống trong môi trường mà mọi người xung quanh đều có cùng suy nghĩ và ủng hộ những điều bất công như thế.
Phụ nữ chúng tôi còn phải gánh chịu những quan niệm bất công này đến bao giờ nữa? Tôi mong sao một nửa thế giới còn lại kia có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giá trị người phụ nữ.
Trên đây là một vài suy nghĩ bức xúc của tôi về thân phận phụ nữ Việt Nam, có gì sai sót mong bạn đọc gần xa thông cảm.
Một nữ độc giả