Thứ ba, 23/4/2024
Thứ bảy, 23/10/2021, 14:00 (GMT+7)

Người phụ nữ vẽ tranh qua kính hiển vi

Hà NộiVũ Thùy Dương, 38 tuổi, bắt đầu vẽ tiểu họa trên mặt số đồng hồ từ hơn một năm trước dưới sự hướng dẫn của chồng, một thợ chạm khắc nổi tiếng.

“Tôi rất thích vẽ. Một năm trước tôi nảy ý định vẽ những bức tranh kinh điển lên mặt đồng hồ và được chồng ủng hộ”, Dương nói. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn bởi nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo tay. Tuy nhiên sau 3 tháng cố gắng, cô bắt nhịp được với công việc.

Tiểu họa là tranh được vẽ trên một diện tích, bề mặt nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mẩn từ khâu trộn màu, cách đặt những lớp màu, quét chổi sơn cho đến kỹ thuật khảm đa vật liệu như vỏ bào ngư, vàng hay vỏ côn trùng…

Quy trình bình thường để hoàn thành một bức tiểu họa lên đồng hồ gồm vẽ phác thảo, căn chỉnh hình vẽ trên máy tính, chuyển thể hình phác thảo lên mặt đồng hồ, phủ lớp base, lên màu từng phần.

Sau khi vẽ chi tiết và dát vàng hoặc khảm đa vật liệu, tranh còn được phủ thêm 2 lớp bảo vệ rồi lắp lên máy và hoàn thiện dây đeo. Với một sản phẩm, Dương mất 10-15 ngày.

Để vẽ những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 30 mm, các thao tác của hoạ sĩ được thực hiện dưới kính hiển vi. “Tôi luôn tập trung cao độ để không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất”, Dương nói.

Điểm đặc biệt của nghệ thuật tiểu họa là dùng dụng cụ vẽ rất nhỏ, mua sẵn không đáp ứng được nhu cầu vẽ chi tiết nên phải đem về chế lại. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2-3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế nhất. Ngoài ra có những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08 mm.

Ngoài sự cẩn thận, kỹ thuật của người vẽ là yếu tố quyết định thành công của tranh tiểu họa. Để tranh nhìn có hồn trên mặt đồng hồ, người nghệ nhân cần chú trọng vào khâu vẽ và phối màu.

Theo đó phải căn cứ vào hình khối, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện để mường tượng ra thứ mình cần vẽ sao cho phù hợp, tương xứng với nhau.

Lúc đầu chưa quen vẽ, làm việc dưới kính hiển vi với Dương cũng là một trở ngại. Tiếp đến cô nghiên cứu rồi phải thử nghiệm hiệu ứng của các loại hoá chất trên chất liệu đặc biệt là mặt đồng hồ.

“Ban đầu cũng nản, nhưng làm đi làm lại nhiều lần, dần dà cũng khắc phục được khó khăn”, cô nói.

Bức tiểu họa trên mặt đồng hồ đầu tiên Dương hoàn thiện lấy cảm hứng từ bức họa kinh điển The kiss của Gustav Klimt. Đây cũng là tác phẩm để lại nhiều kỷ niệm với cô nhất bởi đã chiến thắng bản thân, chinh phục được lĩnh vực mới.

Từ khi bắt tay vào thực hiện vẽ tranh tiểu họa trên mặt số đồng hồ hơn một năm trước, Dương đã hoàn thành 30 tác phẩm.

Gần đây, cô vẽ xong bộ 5 chiếc đồng hồ "Ngũ hổ Thần Tướng" trong tranh dân gian Hàng Trống. Năm con hổ với năm màu sắc đại diện cho ngũ hành: Kim - Thuỷ - Mộc - Hoả - Thổ, thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất.

Dù được thể hiện trên mặt đồng hồ tiết diện nhỏ, nhưng dễ dàng nhận ra khối thân chắc khỏe, dáng ngồi, thế đứng oai phong cùng đôi mắt hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.

Với Dương, tranh dân gian lên mặt đồng hồ cần yêu cầu cao hơn về tính thẩm mỹ, cách phối màu và truyển tải thông điệp. Để giữ nguyên giá trị của dòng tranh cổ truyền, cô ưu tiên sử dụng những gam màu truyền thống, kết hợp thêm chất liệu vàng lá mang đến sự sinh động và hút mắt.

Qua bộ sưu tập Ngũ hổ, Dương muốn tôn vinh giá trị văn hoá dân gian cũng như đẩy mạnh hình ảnh truyền thống tiếp cận tới giới trẻ.

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp