Những ngày này, trong ngôi nhà vách gỗ của gia đình bà Trương Thị Thìn (52 tuổi) ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) luôn rộn rã người thân, hàng xóm tới thăm hỏi, chia vui.
Ôm chầm lấy người chị dâu, tay siết chặt, bà Thìn liên tục nấc nghẹn. "Em từng nghĩ không có ngày còn trở về được quê, nhìn mặt người thân", người phụ nữ nước da đen sạm, hai bàn tay chai sần tâm sự với chị dâu.
Là con thứ trong gia đình đông anh chị em, năm 23 tuổi cô gái mới lớn Trương Thị Thìn kết hôn với người đàn ông khác huyện và sớm có một con trai, cuộc sống gia đình đói nghèo.
Khi bà Thìn mang bầu con gái thứ hai được ba tháng thì người chồng bỏ đi biệt xứ, thiếu phụ phải mang con về nhà bố mẹ đẻ ở huyện Nghĩa Đàn nương tựa.
Năm 1997, biết bà bị đau chân, một người đàn ông cùng xã giới thiệu qua thầy lang ở tỉnh Hà Tĩnh bốc thuốc và hứa cho người thân dẫn đường. Tin lời người này, bà Thìn gật đầu...
Tháng 3/1997 gửi lại con gái ba tuổi, bà Thìn được một người phụ nữ dẫn ra quốc lộ cách nhà gần chục cây số để bắt xe khách đi Hà Tĩnh. Vừa lên xe, bà Thìn được một người xưng là bạn của phụ nữ đi cùng mời uống một cốc nước. Uống xong, bà ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thấy mình đang ở Lạng Sơn, bà hỏi thì được người đi cùng thông báo "chưa đến Hà Tĩnh".
Vì chưa bao giờ xa nhà nên bà vẫn tin tưởng đi theo. Đến khi người này dẫn xuống xe giao cho một người đàn ông lạ mặt, bà mới giật mình. "Lúc bị giao cho người lạ thì tôi nghi ngờ mình bị lừa nhưng ngay lập tức bị họ khống chế, không thể trốn chạy được nữa", bà nhớ lại. Họ dẫn bà vượt biên qua Trung Quốc.
Những ngày đầu ở Trung Quốc, bà bị giam lỏng cùng một tốp 5 phụ nữ người Việt. Vài tuần sau, nhóm phụ nữ được đưa lên xe khách chạy liên tục hai ngày đêm, rồi lên thuyền đi khoảng bốn giờ và cập bến tại một hòn đảo.
Nơi đất lạ, họ bị giam lỏng và yêu cầu phải lao động, hàng ngày có các tốp đàn ông bản địa ghé qua xem mặt. Khoảng một tháng sau, bà Thìn được một người nông dân dẫn về làm vợ. Biết không thể phản kháng nên bà nhắm mắt đưa thân...
"Tôi có phần may mắn là không bị chồng đánh đập, nhưng anh ta không cho rời khỏi nhà, không cho tiếp xúc điện thoại vì sợ tôi bỏ trốn", bà kể về những ngày đầu làm vợ người đàn ông Trung Quốc 23 năm trước.
Không biết tiếng, không biết đường, cuộc sống gò bó khiến có lúc người phụ nữ nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng rồi lại thương bố mẹ, hai con ở quê đang ngóng trông mình.
Sau khi sinh một con trai và một con gái cho chồng Trung Quốc, bà bắt đầu được nhà chồng cho tự do đi làm đồng, đi chợ, được dạy tiếng bản địa. Bà kể hết chuyện bị lừa bán cho chồng nghe để chia sẻ.
Hơn một năm trước, trong lần đi làm, bà gặp người đàn ông quê Hà Tĩnh làm thuê gần nhà nên nhờ liên lạc về quê hương. Nửa năm sau, bà mới nối được liên lạc với anh trai. "Lúc anh trai gọi tới thì cả hai òa khóc không nói nên lời", bà nhớ lại.
Nói với chồng nguyện vọng muốn một lần về quê thắp nén nhang cho bố mẹ đã qua đời, thăm hai người con, ban đầu bà không được ủng hộ. Người chồng đắn đo vì sợ vợ không trở lại. Khi người đàn ông quê Hà Tĩnh quen biết từ trước đứng ra "bảo lãnh", người chồng đã đồng ý. Để có lộ phí cho vợ về Việt Nam, chồng bà bán ba con bò, dặn "hai tháng sau phải quay trở lại Trung Quốc".
Cuối tháng 2 vừa qua, bà Thìn về tới quê sau hành trình gần một tuần. "Người con gái út đã lấy chồng, con trai đầu không được khỏe mạnh. Thời gian ít ỏi ở quê trước khi trở lại Trung Quốc tôi muốn dành chăm con", người phụ nữ nét mặt khắc khổ nói.
Ngồi cạnh em gái, ông Trương Công Dần (56 tuổi) cho hay, thời điểm Thìn mất tích, gia đình đã kiếm nhiều nơi nhưng không có tin tức. "Trước lúc mất, mẹ tôi dặn phải cố tìm cho được em gái", ông Dần ứa nước mắt.
Công an xã Nghĩa Long cho biết, bà Thìn đã có đơn trình báo chính quyền về việc mình bị lừa bán qua Trung Quốc, song bản thân không nhớ rõ tên tuổi kẻ xấu nên khó khăn cho nhà chức trách. Trước mắt, công an làm thủ tục đề nghị hồi phục hộ khẩu, chứng minh thư theo nguyện vọng của nạn nhân.
Nguyễn Hải - Vũ Kim