Đó chính là hoàn cảnh của bốn bà cháu, mẹ con chị Nguyễn Thị Tâm, đội 7, xóm Trung Sơn, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Năm 2001, chị và anh Đặng Văn Lộc đến với nhau. Một năm sau, anh đi nghĩa vụ quân sự ở Biển Hồ, Gia Lai để người vợ trẻ ở lại quê nhà. Hai năm trôi qua, anh trở về. Và rồi hạnh phúc như được nhân lên khi hai cháu Đặng Văn Tuấn Anh và Đặng Thị Yến lần lượt chào đời. Dẫu gặp rất nhiều khó khăn song với bản chất của người lính cụ Hồ, anh cùng chị đã làm được một căn nhà hai gian bằng chính sức lao động của mình. Tuy với nhiều người, nó chẳng khó khăn gì song với anh chị, đó là thành quả của những chuỗi ngày phấn đấu.
![anh-1-1383839901-5647-1383901304.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/08/anh-1-1383839901-5647-1383901304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FcGMA8Ce1LAnEQKgP1X0rA)
Bốn bà cháu, mẹ con chống chọi với hoàn cảnh khắc nghiệt từng giờ vì số nợ quá lớn.
Sau đó, anh tích cực tham gia các công tác xã hội. Anh làm bí thư chi đoàn, gia nhập hội cựu chiến binh, rồi anh được bà con tín nhiệm bầu làm hội trưởng hội nông dân. Với những thành tích đã đạt được, ngày 28/10/2008 anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong thời gian tham gia công tác, nhiều lần gia đình anh chị được bà con đề xuất đưa vào diện hộ nghèo nhưng anh lại từ chối nhường cơ hội đó cho người khác.
Cuộc sống những tưởng sẽ thuận buồm xuôi gió nếu không có một ngày anh phát hiện mình mắc căn bệnh u não quái ác. Đó là vào một ngày tháng 4/2012, khi đang làm đồng, anh bỗng cảm thấy đau đầu dữ dội, chân tay bủn rủn. Cứ nghĩ là bị đau thông thường nên anh chỉ lấy thuốc uống. Một tháng sau bệnh tình của anh trở nặng. Anh được người nhà đưa vào bệnh viện Vinh thăm khám. Như một tiếng sét ngang tai, bác sĩ kết luận anh bị u não, buộc phải mổ gấp.
Ba lần mổ cũng là lúc những tài sản trong nhà đội nón ra đi. Những thứ có giá trị đều được thế chấp để vay ngân hàng. Anh em, bạn bè cũng ra sức giúp đỡ, người nhiều thì 20 triệu đồng, người ít cũng 5-10 triệu đồng.
Vậy nhưng anh Lộc cũng không thể chiến thắng nổi tử thần. Anh đã ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình và bà con lối xóm. Của đi người cũng không còn, người vợ trẻ ấy lại phải gánh trên vai số nợ lên đến hơn 200 triệu đồng. Đầu năm chịu tang cha chồng, cuối năm chịu tang chồng, mọi gánh nặng đè lên một đôi vai mỏng manh của chị.
![anh-2-1383839909-3338-1383901305.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/08/anh-2-1383839909-3338-1383901305.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fDbSmXkmLoyPNkbIdnffbg)
Số nợ của chị chồng chất không biết khi nào mới có thể trả được.
Khi còn sống, anh Lộc luôn tận tình giúp đỡ bà con lối xóm, tích cực trong các hoạt động xã hội, nên được mọi người yêu quý. Anh sẵn sàng nhường quyền lợi của mình cho người khác. Mấy lần gia đình anh được bà con đề nghị cho vào diện hộ nghèo, nhưng anh lại nhường lại cho gia đình có người bệnh. Do không thuộc diện hộ nghèo, nên trong ba lần mổ vừa rồi chi phí của anh rất tốn kém.
Sau cái ngày định mệnh ấy, chị Tâm vừa là cha là mẹ của hai đứa con. Thu nhập của cả ba mẹ con chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng. Khi xong mùa, chị lại tất tả ra đồng bắt con cua, con ốc mong kiếm thêm thu nhập. Những ngày hè nóng nực, chị phải đi đến tận những cánh đồng xa ở Đô Lương cách nhà khoảng 100km. Chị dậy lúc 4h sáng, lo cơm nước, lợn gà xong chị mới đi. Không có xe nên chị ngồi nhờ xe chú, rồi ghé ngang chợ mua cái bánh chưng hay bánh đúc để trưa ở lại. Buổi trưa của chị chỉ vọn vẹn có thế, đơn giản đến lạ. Nếu ngày nào may mắn, chị kiếm được 50.000 - 70.000 đồng, có ngày ít hơn chỉ được 20.000 - 30.000 đồng. Với khoản tiền nhỏ nhặt đó chắc chắn sẽ không đủ cho sinh hoạt của 4 con người, đó là chưa kể đến khoản tiền lãi phải trả ngân hàng hàng tháng.
Có lẽ hai đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu được sự mất mát này. Tuấn Anh (10 tuổi), đang là học sinh lớp 5 trường tiểu học Công Thành 1, mắc bệnh hen suyễn từ nhỏ, mỗi khi trái gió trở trời lại ho và khó thở, rồi chị lại phải thức cả đêm để trông. Trường học chỉ cách nhà gần hai cây nhưng phải đi mất hơn hai mươi phút vì chiếc xe đạp đã quá tồi tàn, nặng trịch. Trong suốt những năm tiểu học, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, đó sẽ là niềm an ủi lớn cho cả nhà. Tuổi thơ hồn nhiên không dấu được khi em hào hứng kể về ước mơ có một chiếc xe đạp mini, để mỗi ngày đến trường được nhanh và khỏe hơn.
Còn cháu Yến năm nay đã lên 5 tuổi nhưng chưa được đến trường với bạn bè cùng trang lứa, đang ở nhà chơi với bà nội. Hàng đêm, chị Tâm suy nghĩ tìm cách cho cháu được đến trường, nhưng không có cách nào, đành lòng phải cho cháu đi học chậm. Chị dẫn cháu đi khám ở trạm xá, họ nói cháu bị suy dinh dưỡng.
![anh-3-1383839915-3770-1383901306.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/11/08/anh-3-1383839915-3770-1383901306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zmcQk5MTSxcMcQEjKd1awQ)
Chiếc xe đạp cũ kỹ là tài sản quý giá trong căn nhà nhỏ của chị.
Chúng tôi ra về khi trời đã chập choạng tối, khi mà các gia đình đang tất bật chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Còn chị vẫn đứng đó nhìn theo chúng tôi và có lẽ đang trông chờ một điều gì vào tương lai.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. |
Trần Tâm - Hồ Hà