Sandy là tên gọi thân mật của Sandra Dominique Braun, là một phụ nữ 42 tuổi, người Thụy Sĩ gốc Việt hiện sống tại Đức. Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong hôn nhân nhưng cuộc sống của Sandy vẫn phảng phất nỗi buồn vì chưa tìm ra nguồn gốc của mình. "Tôi là con của ai", "Cha mẹ tôi là ai", "Cha mẹ tôi còn sống không", những câu hỏi Sandy tự đặt ra cho mình đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Từ khi còn rất nhỏ, Sandy đã được cha mẹ nuôi - người Thuỵ Sĩ - kể đi kể lại về thân thế của mình. Họ bảo cô là người Việt Nam, được họ nhận nuôi vào tháng 11/1974 từ Hội Dục Anh (cô nhi viện lớn nhất Sài Gòn trước năm 1975, nay là trụ sở của Hội người mù, quận 1).
Cha mẹ nuôi kể, năm 1974, ai đó đã đem gửi Sandy vào Hội Dục Anh khi mới vài tháng tuổi, với một mảnh giấy ghi: Dương Thị Bửu Châu sanh ngày 26/6/1974 tại Thạnh Mỹ Tây, Gia Định. Cha mẹ nuôi giữ cho cô một vài tấm ảnh lúc còn bé ở Hội Dục Anh, trong đó có một tấm ảnh cô được một cô gái trẻ bế trên tay.
Khi 18 tuổi, Sany đã nhen nhóm ý nghĩ đi tìm cha mẹ ruột. Nhưng mãi 9 năm sau, đến năm 2001, cô mới có thể cùng cha mẹ nuôi trở lại TP HCM để tìm kiếm nguồn gốc của mình. Chuyến đi ấy không giúp cô tìm ra manh mối nào.
13 năm sau nữa, tháng 8/2014, Sandy cùng chồng quay lại TP HCM và ở lại một tháng để tìm người thân. Trước đó, qua mạng xã hội, Sandy được giới thiệu với một người đàn ông có mẹ từng làm y tá ở Hội Dục Anh. Cô hy vọng với sự giúp đỡ của bà, cô sẽ tìm ra cô gái trẻ bế mình trong tấm ảnh lúc nhỏ. Khi đến Việt Nam, Sandy mới biết cô gái bế mình giờ đã mất. Còn nữ y tá năm xưa giờ đã già, cho biết thời gian đó chỉ chăm chú vào chuyên môn nên bà không biết Hội Dục Anh nhận nuôi Sandy trong hoàn cảnh nào.
Không nản lòng, với sự giúp đỡ của nhiều người bạn Việt Nam, trong một tháng đó, Sandy đã đi đến nhiều địa chỉ có liên quan như trại trẻ mồ côi, bệnh viện, ủy ban nhân dân phường, Sở Lao động, thương binh và xã hội... Thế nhưng, ở những nơi đó không lưu lại bất kỳ thông tin nào về một đứa bé tên Dương Thị Bửu Châu sinh ngày 26/6/1974. Cô cũng tìm đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số báo, rồi đăng tin trên trang Pinterest, mạng xã hội,... thậm chí in các tờ rơi nhờ người đi phát.
Vào tuần cuối cùng ở Việt Nam, Sandy gặp được một người phụ nữ họ Dương đã để thất lạc đứa con gái sinh năm 1974 ở Sài Gòn. Người phụ nữ đó quả quyết Sandy có những nét giống người chồng đầu tiên của bà. Sinh con đầu lòng khi mới 17 tuổi, vài tháng sau bà giao con gái lại cho mẹ đẻ để đi Đà Nẵng với chồng. Sau năm 1975, bà trở lại Sài Gòn thì mới hay con gái đã bị mẹ đem cho một cô nhi viện. Tuy tình tiết mơ hồ, nhưng trước sự tha thiết của người phụ nữ nọ, Sandy đã kiểm tra ADN và kết quả là giữa họ không có gì liên quan.
Trở về Đức, Sandy tiếp tục nhờ người quen ở Việt Nam đăng thông tin tìm kiếm. Tưởng như cô đã tìm ra người thân khi có một phụ nữ lớn tuổi ở một tỉnh miền Nam đọc báo tìm tới. Bà tiết lộ câu chuyện từng lén sinh con gái thời còn trung học. Vì sợ người thân biết, bà đã sinh con tại nhà một người bạn và nhờ họ giữ hộ để tiếp tục đi học. Không may, người bạn do hoạt động cách mạng đã bị bắt và đứa trẻ bị đưa vào cô nhi viện. Sau năm 1975, bà điên cuồng đi tìm con nhưng không thấy nên đã về quê sống. Bà ghi tên con là Dương Thị Bảo Châu (do người yêu đặt trước lúc chia tay) và ngày tháng năm sinh của con vào một tờ giấy rồi nhét vào cái gối con vẫn nằm. Ông cũng hẹn bà sau này sẽ đến Thạnh Mỹ Tây, Gia Định để tìm nhau nhưng rồi biệt vô âm tín.
Nhiều chi tiết trùng khớp, nhưng một lần nữa kết quả thử ADN cho thấy hai người không có huyết thống, khiến Sandy gần như hết hy vọng. Cô hoang mang bởi cảm thấy cái tên Việt Nam và ngày tháng năm sinh của mình không chính xác. “Dương Thị Bửu Châu sanh ngày 26/6/1974” có thể thuộc về bé gái khác mà do một sự nhầm lẫn nào đó đã rơi vào cô! Quá thất vọng, Sandy quyết định dừng sự tìm kiếm.
Nhưng rồi khát khao tìm ra nguồn gốc của mình khiến trái tim Sandy không lúc nào được yên ổn. Cô liên tục dằn vặt mình nếu không cố gắng tìm kiếm người thân lần nữa. Giờ đây, từ Đức, cô lại điện thoại, viết mail về Việt Nam, bày tỏ muốn tiếp tục tìm kiếm người thân - bất kỳ ai, dù là cha mẹ hay họ hàng - nhưng cô lúng túng không biết phải làm thế nào.
Sandy tâm sự: "Tôi vẫn luôn tự hỏi tôi là ai? Tôi không muốn mình hối tiếc khi về già. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn cha mẹ mình - nếu họ còn sống - và cho họ biết đời sống tôi ổn, tôi hạnh phúc và tôi không hề oán trách họ. Điều lo lắng của tôi là có thể tôi không phải là đứa trẻ mang tên Dương Thị Bửu Châu. Tôi có thể là một bé gái sinh giữa khoảng tháng 4 và tháng 8/1974 rồi sau đó bị cho đi vì một lý do nào đó."
Nếu bạn có thông tin gì liên quan đến bé gái sinh năm 1974 sống trong Hội Dục Anh trước tháng 11/1974, vui lòng liên lạc tới địa chỉ benkhoi03@gmail.com. |
Ben Khôi