Theo BBC, kỷ lục mới về tính giá trị số Pi (π) của thế giới lên đến 31 nghìn tỷ chữ số, vượt xa kỷ lục trước đó là 22 nghìn tỷ.
Emma Haruka Iwao, một nhân viên Google từ Nhật Bản, đã tìm thấy những chữ số mới với sự trợ giúp của dịch vụ điện toán đám mây của công ty.
Google đã công bố thông tin này trên blog vào đúng ngày số Pi 14/3 (hay 3/14 theo cách viết của Mỹ).
Iwao dùng đến 170 terabyte dữ liệu và 25 máy ảo, mất tổng cộng 121 ngày để hoàn thành phép tính toán số Pi. Để dễ so sánh, 20.000 bản nhạc chiếm một terabyte.
Pi là giá trị bạn nhận được khi chia chu vi của một đường tròn với đường kính của đường tròn đó. Các chữ số đầu tiên được biết đến là 3,14, nhưng do Pi là số vô tỷ, phần thập phân của nó sẽ kéo dài vô hạn. Việc mở rộng chuỗi chữ số đã biết trong số Pi là rất khó vì chúng không tuần hoàn.
Pi rất quan trọng trong kỹ thuật, vật lý, siêu máy tính và thám hiểm không gian, bởi giá trị của nó có thể dùng để tính toán cho sóng, vòng tròn và hình trụ.
Việc nghiên cứu để tìm ra phiên bản dài hơn của số Pi đã được các nhà toán học thực hiện hàng nghìn năm qua. Iwao cho biết cô đã bị mê hoặc bởi con số thú vị này từ khi còn là một đứa trẻ.
Nữ nhân viên có kinh nghiệm ba năm làm việc tại Google cho biết kỷ lục thế giới rất khó để vượt qua và cô ngạc nhiên là mình đã làm được. Cô hy vọng sẽ tính được số Pi dài hơn nữa trong tương lai.
"Số Pi không có giới hạn nên tôi muốn thử tìm ra nhiều chữ số hơn", cô nói.
Năm 2010, Nicholas Sze đã sử dụng điện toán đám mây của Yahoo để tính được hai chữ số thuộc hàng nghìn triệu triệu của Pi là 0, một phép tính sẽ mất 500 năm để tìm ra trên một máy tính tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, anh không tính được những chữ số ở giữa.