Một ngày cuối đông, trong căn phòng nhỏ của Live&Learn (Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng) trên phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội, Nguyệt hào hứng kể về công việc cùng những hoài bão.
Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Nguyệt thử sức ở một tổ chức phi chính phủ của Anh về bảo tồn thiên nhiên. Tháng 3/2001, cô hăm hở vác ba lô về làm việc ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Hơn một năm làm việc tại đảo, dự án thay đổi địa bàn, cô lại cùng đồng nghiệp đến Hạ Long, Quảng Ninh, làm về môi trường du lịch cộng đồng, giáo dục môi trường cho trẻ em vạn chài.
![]() |
Đỗ Vân Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
“Còn gì thú vị hơn bằng cách dạy về môi trường trong thực tế, cho trẻ đi vớt rác trên biển, đi thăm dò san hô, thăm rừng ngập mặn đang biến mất do sự ô nhiễm vì tàu bè, du lịch... Nhưng để cho lũ trẻ lên tàu, chúng tôi phải thuyết phục bố mẹ và thầy cô”, Nguyệt chia sẻ.
Những ngày đầu tiên Nguyệt cùng một anh ở địa phương đến tìm các xưởng đóng thuyền tin cậy. Tháng 11-12 giá lạnh, cô vẫn phải đi lại trên tàu, phà, gió biển và mưa dông táp vào mặt. “Chưa bao giờ thấy mình vất vả thế. Cầm hợp đồng đóng tàu, bỗng dưng tự hỏi, tại sao mình thành chuyên gia đóng tàu nhỉ?”, cô kể về những kỷ niệm khi ngày đầu khi ở Hạ Long.
Sau những thất bại, những được mất, Nguyệt bảo đó là bài học, kinh nghiệm có được sau gần 3 năm làm dự án về bảo vệ môi trường cho tổ chức này. Rồi cô xin học bổng của Hà Lan. Đây là chương trình học bổng hỗ trợ cho những người học về lâm nghiệp. “Sau này tôi mới biết, cơ duyên mình được gọi đi học do là nữ. Trong nhóm 4 người được đi có tới 3 nam giới”, Nguyệt cười nói.
Hai năm học bên Hà Lan, rồi chị lại quay về nước làm việc tại cơ quan cũ, dự án làm một "con thuyền giáo dục" lại được một ai đó khơi lại. “6 tháng quay lại cơ quan cũ để thuyết phục không đi theo vết xe đổ ngày xưa, nhưng tôi bất lực nhìn những sai lầm lặp lại. Tôi bỏ cuộc khi không thể thay đổi được gì. Bỏ công việc môi trường, bỏ biển…”, Nguyệt tâm sự.
![]() |
Chị Nguyệt (áo đỏ) trong một chương trình gặp gỡ với các bạn thanh niên. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau 3 năm tiếp tục làm việc ở một vài tổ chức phi chính phủ, hết dự án ở Quảng Bình, rồi Nam Định, cô đi nhiều nơi, cứ như cái nghiệp của tuổi Ngọ vận vào mình. Cách đây hơn một năm, Nguyệt quyết định thành lập trung tâm Live & Learn. Cô và nhóm 5-6 bạn trẻ nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường. Thành công của nhóm là đã kết nối được rất nhiều nhóm thanh niên tình nguyện để họ chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng tạo nên một thế giới xanh.
Nguyệt kể, nếu xuống bản, về nông thôn hay vùng sâu, người dân yêu mến cán bộ dự án với sự chân chất, mộc mạc rất chân thành thì ở thành phố, cô và đồng nghiệp phải làm việc với những người dân đã trải qua bao thăng trầm của kinh tế, xã hội nên sự thuyết phục, sự thay đổi họ thật sự khó khăn và cần sự nhẫn nại. Phải rất lâu, cô và đồng nghiệp mới thay đổi được tư duy của những cư dân chốn thị thành trong việc phát triển bền vững.
“Tôi đã nhìn thấy một Cát Bà thinh lặng, một Hạ Long biển trời song hành, một Côn Đảo thanh tịnh, một miền Trung yên bình dịu ngọt. Tôi đang và sẽ đi, đến bao giờ không dám chắc, chỉ biết cho đến khi vẫn còn nhiệt tâm và sức lực”, Nguyệt chia sẻ.
Từ tháng 12/2009, Công dân toàn cầu sẽ phối hợp cùng các câu lạc bộ, các nhóm cộng đồng trên cả nước thực hiện những "Ngày cuối tuần ấm áp" ở khắp mọi miền đất nước, tổ chức 2 lần trong một tháng. Với mong muốn cùng giới trẻ chung tay hành động trong những vấn đề xã hội, chương trình xây dựng mạng lưới hoạt động xã hội của thanh niên Việt Nam trên khắp cả nước, phát sóng lúc 14h chủ nhật hằng tuần trên VTV3. Chương trình được tài trợ bởi ABBANK. |
Anh Thư